|
  • :
  • :

Chủ động các giải pháp sản xuất vụ hè-thu

Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa đông-xuân, thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống giống vụ lúa hè-thu. Đồng hành với nông dân, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm vụ hè-thu thắng lợi.

Gieo trồng bảo đảm lịch thời vụ

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hồ Khắc Minh cho biết: Kế hoạch diện tích xuống giống lúa vụ hè-thu năm 2024 là 14.500ha năng suất 49 tạ/ha, sản l­ượng 71.050 tấn; diện tích lúa tái sinh 8.000ha, năng suất 20 tạ/ha, sản lượng 16.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ nét, các hiện tượng thời tiết, như: Không khí khô nóng, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ… có những diễn biến trái quy luật, theo hướng cực đoan, không lường trước được.

Trên cơ sở những chủ trương, định hướng của tỉnh, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các địa phương nắm chắc lịch thời vụ để xuống giống vụ hè-thu. Theo đó, thời vụ gieo cấy lúa hè-thu bắt đầu từ ngày 20/5, kết thúc vào 5/6 và bảo đảm thu hoạch trước 5/9. Đối với cây lúa những vùng ruộng sâu, không chủ động tưới, tiêu cần tranh thủ gieo càng sớm càng tốt và bố trí các giống cực ngắn để thu hoạch sớm tránh ngập úng vào cuối vụ.

Tại huyện Quảng Trạch, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch lúa đông-xuân, bà con nông dân đã gấp rút triển khai làm đất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa hè-thu. Với phương châm “thu hoạch lúa đông-xuân đến đâu, tổ chức làm đất gieo cấy tới đó”, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương tiến hành nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, vùng hồ đập, trạm bơm để chủ động nước tưới.

Nông dân làm đất, xuống giống vụ hè-thu.

Nông dân làm đất, xuống giống vụ hè-thu.

Ông Lê Xuân Thắng, xã Phù Hóa (Quảng Trạch) cho biết: “Vụ đông-xuân kết thúc sớm nên bà con chúng tôi không quá cập rập về thời gian chuẩn bị cho vụ mùa kế tiếp. Sau thu hoạch, chúng tôi đã tranh thủ cày ải đất để gieo cấy sớm, tránh thời tiết bất lợi về cuối vụ. Vụ hè-thu thường rơi vào cao điểm mùa nắng nóng, nhằm tránh tình trạng nước thất thoát nhanh ra khỏi ruộng, tôi đã làm đất cho bằng phẳng và gia cố hệ thống bờ bao cẩn thận hơn. Năm nay, gia đình tôi xuống giống 6 sào, mong thời tiết thuận lợi để lúa đạt năng suất cao, được mùa, được giá như vụ đông-xuân vừa qua.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Ngay sau khi hoàn thành vụ lúa đông-xuân, UBND huyện đã có công văn đề nghị các xã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Thủy nông Quảng Trạch triển khai thực hiện các giải pháp thích hợp, chủ động bảo đảm nguồn nước phục vụ tốt sinh hoạt và sản xuất vụ hè-thu. Bên cạnh đó, tăng cường vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt để né rầy và né hạn đầu vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường. Đến nay, các địa phương trên toàn huyện đã hoàn thành việc gieo cấy lúa hè-thu với 3.376/3.280ha, đạt 102,9% so với kế hoạch.

Tại huyện Bố Trạch, vụ hè-thu năm 2024, kế hoạch huyện sẽ gieo trồng 2.100ha lúa, hiện các địa phương đã xuống giống được 1.700ha. Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa đông-xuân, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè-thu càng sớm càng tốt nhằm hạn chế rủi ro do lũ lụt cuối vụ; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo UBND huyện về việc tăng cường các biện pháp chống bỏ hoang đất lúa trong vụ hè-thu 2024; tăng cường chỉ đạo và tổ chức sản xuất theo hợp đồng từ đầu vụ, sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và chứng nhận theo VietGAP; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để thương lái, doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản của địa phương; tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn với diện tích 120ha tại xã Đại Trạch, Trung Trạch, Hạ Trạch, Đồng Trạch...

Sản xuất an toàn, hiệu quả

Để vụ hè-thu thắng lợi, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, kịp thời. Tính đến ngày 28/5, toàn tỉnh đã gieo cấy được 11.170/14.500ha lúa.

Theo ông Hồ Khắc Minh, vụ hè-thu năm nay, các địa phương khuyến khích người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, như: PC6, HN6, SV181, Hà Phát 3... Ngoài các giống chủ lực ở trên, tùy điều kiện cụ thể, các địa phương có thể sử dụng các giống có triển vọng, như: LTh31, ADI28, Tân Ưu 89, Hưng Long 555… cơ cấu gieo với diện tích vừa phải để bảo đảm an toàn trong sản xuất. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để vụ hè-thu đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT, các địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị truyền thông tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, định hướng của tỉnh về sản xuất vụ hè-thu, như: Hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; các mô hình sản xuất có hiệu quả, giống cây trồng mới, các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất và biện pháp khắc phục đặc biệt là việc không bỏ hoang ruộng đối với các vùng đủ điều kiện tưới, tiêu.

Cùng với việc chọn các loại giống ngắn ngày, chất lượng cao, các địa phương cũng đã rà soát xây dựng phương án chống hạn, tích nước, sử dụng nước của các hồ chứa hợp lý, thực hiện tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, bảo đảm cân đối đủ nước cho sản xuất. Tập trung lực lượng lao động để tiến hành tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương, đê bao, các cống cửa lấy nước của hệ thống thủy lợi, nạo vét các kênh dẫn, kênh trên đê để dự trữ nước khi có mưa. Các trạm bơm nước trực tiếp từ các sông có nguy cơ nhiễm mặn như Văn Hóa, Châu Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Lộc, Quảng Tân (TX. Ba Đồn)… phải thường xuyên kiểm tra độ mặn nguồn nước tưới trước khi bơm nước vào ruộng; tranh thủ vận hành các trạm bơm vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí điện năng.

Ngoài ra, để lúa đạt năng suất và sản lượng cao, Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển dần sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón sinh học kết hợp với các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học, tăng khả năng chống chịu cho cây, giúp cải tạo tính chất đất, vừa giúp giảm chi phí đầu vào vừa bảo đảm an toàn với môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích địa phương căn cứ vào các chính sách hiện hành cũng như trích ngân sách của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/chu-dong-cac-giai-phap-san-xuat-vu-he-thu-2218425/