|
  • :
  • :

Hướng đi mới từ cây lạc đen

Từ những ưu điểm của giống lạc đen CNC1 so với lạc trắng truyền thống, chị Phạm Thị Hương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở ra cơ hội để phụ nữ trên địa bàn có thêm lựa chọn phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Phạm Thị Hương với sản phẩm dầu ăn từ lạc đen tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022
Chị Phạm Thị Hương với sản phẩm dầu ăn từ lạc đen tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022
 
Chị Phạm Thị Hương là người đầu tiên đưa lạc đen về trồng thử nghiệm tại huyện Đức Trọng từ 2 năm trở lại đây, với sự hợp tác cùng Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự tại Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp. Chị cho biết, CNC1 là giống lạc cho năng suất cao hơn 1,5 lần so với giống lạc thường hiện nay. Bên cạnh vị béo, thơm, lạc đen trồng ở Đức Trọng còn có vị ngọt mà lạc trồng ở các địa phương khác không có được.
 
Vụ vừa qua, chị Hương liên kết với nông dân trồng lạc đen trên diện tích 2 ha và thu được nhiều kết quả khả quan, sản lượng lạc đạt 1 - 1,2 tấn/sào, giá thu mua ổn định từ 15 - 17.000 đồng/1 kg tươi. Tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, chị Hương đã mang đến những sản phẩm chế biến từ lạc đen như dầu ăn, bơ lạc… nhận được nhiều sự chú ý và góp ý của Ban Giám khảo. 
 
Là một giáo viên mầm non, chị Phạm Thị Hương chia sẻ lý do để chị bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến từ giống lạc đen là khi dịch COVID-19 xảy ra, chị ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe, lựa chọn các sản phẩm an toàn cho gia đình và đặc biệt là đổi mới bản thân trước những thách thức mà dịch bệnh đặt ra. 
 
Chị Hương nói: “Tôi không chỉ mong muốn phát triển một sản phẩm tốt cho sức khỏe từ lạc đen, mà còn muốn giúp bà con ở địa phương thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống lạc tốt và giàu dinh dưỡng, năng suất cao, giá mua ổn định để có ổn định nguồn thu nhập”.
 
Sản phẩm dầu ăn lạc đen và bơ lạc đen được ra đời, là sản phẩm chủ lực của chị Hương với định vị thương hiệu thực phẩm sạch, an toàn, uy tín, chất lượng. Theo đó, sản phẩm của chị được sản xuất theo quy trình khép kín khi nông dân được cung cấp giống, hỗ trợ công chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, chị ép dầu sạch và đưa ra thị trường.
 
Một điều khiến chị Hương trăn trở là dầu lạc đen đang có giá thành khá cao so với các sản phẩm dầu ăn thông thường trên thị thường nên sự cạnh tranh còn hạn chế. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ, muốn giá thành giảm xuống thì mình phải thay đổi, đưa máy móc thay thế dần công lao động của con người như máy tỉa lạc, máy thu hoạch, máy tuốt lạc… sẽ giảm được chi phí thuê nhân công. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu cũng cần được mở rộng”.
 
Hiện, phân khúc khách hàng mà chị Hương đang tập trung hướng đến là khách hàng trung lưu, người tu hành, ăn chay, ăn kiêng, người bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp và trẻ em… Chính vì vậy, các sản phẩm dầu lạc của chị đang được từng bước cung cấp cho các trường học tổ chức bán trú như trường mầm non, tiểu học; cung cấp dầu lạc vào chùa, các cơ sở tu luyện; liên kết với các nhà phân phối để đưa dầu lạc đen vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá. 
 
Đoạt giải Nhì Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Dự án “Lạc đen và một số sản phẩm chế biến từ lạc đen” là một cột mốc mới tiếp thêm động lực để chị Phạm Thị Hương tiếp tục nỗ lực hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường. Chị chia sẻ, mục tiêu lớn hơn mà dự án hướng tới là đến năm 2024, lạc đen CNC1 sẽ trở thành sản phẩm đạt chất lượng OPCOP của tỉnh Lâm Đồng; các sản phẩm từ lạc đen như dầu ăn, bơ, lạc đen rang tỏi ớt,… sẽ được đến với nhiều hơn người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều dự án trồng lạc đen trong vườn cà phê, sầu riêng, bơ và tạo thành các liên kết chuỗi. 
 
So với giống lạc thường, lạc đen CNC1 có nhiều ưu điểm vượt trội khi ra hoa, đậu quả tập trung, quả to, chắc, tỷ lệ hạt/củ > 70%, ít bị nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu với sâu bệnh và khô hạn khá. Hầu hết các chỉ tiêu chất lượng trong lạc đen đều cao hơn so với lạc thường như: Selen 240ug/1kg (cao gấp 101,1 lần); chất xơ 10,81% (gấp 6,75 lần); kẽm 3.7mg/100g (gấp 1,95 lần); arginine 3630mg/100g (gấp 1,32 lần); kali 700mg/100g (gấp 1,23 lần); protein thô 36,68% (gấp 1,16 lần); chất béo 260% (giảm 1,4 lần), chỉ tiêu này giảm giúp có lợi cho người ăn lạc đen thường xuyên.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/huong-di-moi-tu-cay-lac-den-3127206/