|
  • :
  • :

Tầm nhìn dài hạn cho cây mắc ca

Từ năm 2005 - 2006, thông qua công tác khuyến nông, tỉnh đã đầu tư nhiều mô hình sản xuất, đồng thời định hướng nông dân có điều kiện đất đai tiến hành trồng thực nghiệm cây mắc ca. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của tỉnh, trong thời gian ngắn, diện tích mắc ca đã phát triển khá nhanh.

Sản phẩm hạt mắc ca đã qua chế biến của Lâm Đồng được trưng bày và bán phổ biến ở nhiều nơi trong nước.
Sản phẩm hạt mắc ca đã qua chế biến của Lâm Đồng được trưng bày và bán phổ biến ở nhiều nơi trong nước.
 
Theo ghi nhận, Lâm Đồng là một trong số những địa phương có điều kiện khí hậu đặc thù, phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca, đặc biệt là ở các huyện Lâm Hà, Đam Rông và phần phía Tây Quốc lộ 20 của các huyện Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm và Bảo Lộc. 
 
Theo số liệu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cung cấp tại Hội nghị triển khai Đề án Phát triển cây mắc ca khu vực Tây Nguyên vừa được tổ chức tại Đà Lạt, đến năm 2016, toàn tỉnh có hơn 980 ha mắc ca; diện tích kinh doanh hơn 265ha; sản lượng quả khô đạt hơn 309 tấn. Trong đó, trên 936 ha trồng xen, chủ yếu trong vườn cây cà phê, chè chiếm 93,8% và 43,7 ha trồng thuần trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp.
 
Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm trong 10 năm, tỉnh đã có những đánh giá bước đầu về khoa học công nghệ và hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, môi trường làm cơ sở thực tiễn phát triển. Đồng thời, nhằm tạo pháp lý phát triển cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn, Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 20/5/2016, phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030. Như vậy, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên có quy hoạch phát triển cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn.
 
Nhờ làm tốt công tác quản lý nhà nước và đầu tư khoa học - công nghệ, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 7.384 ha mắc ca, tăng gấp 7,5 lần thời điểm 2016 và chiếm gần 40% tổng diện tích mắc ca cả nước. Trong đó, trồng thuần 452 ha; trồng xen 6.932 ha; diện tích kinh doanh đạt 1.696,3 ha; sản lượng quả khô đạt 3.084 tấn. Diện tích sản xuất trên đất nông nghiệp là 4.655 ha, chiếm 63% tổng diện tích mắc ca toàn tỉnh, chiếm 97% diện tích trồng xen trong các vườn cây công nghiệp; diện tích trồng trên đất lâm nghiệp là 37%.
 
 
 
Song song với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất mắc ca, việc phát triển công nghiệp chế biến và phát triển thị trường được Lâm Đồng hết sức chú trọng. Với việc thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, các hoạt động định hướng, thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư thiết bị công nghệ chế biến; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được triển khai khá đồng bộ. Từ con số 0 vào năm 2015, đến nay, ngoài các cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ, toàn tỉnh đã có 36 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua sơ chế, chế biến mắc ca với công suất trên 2.800 tấn nguyên liệu/năm, đạt trên 91% tổng sản lượng và tạo ra trên 1.700 tấn sản phẩm chế biến. Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành 5 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với diện tích 985 ha, 803 hộ liên kết, sản lượng trên 570 tấn nguyên liệu/năm. Ngoài ra đã có 13 sản phẩm mắc ca được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao đang lập hồ sơ trình Bộ NN & PTNT công nhận là sản phẩm Macca sấy Viet's Nuts Lâm Hà của Công ty TNHH Nông sản sạch Huy Hiếu và Mắc ca Lâm Hà của Công ty TNHH TM & DV Sao vàng Mắc ca. Tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh mắc ca như Công ty TNHH TM DV Việt Xanh; Công ty TNHH Hoàng Anh Macca; Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao, Hợp tác xã DV NN TH; Hợp tác xã Liên kết Mắc ca Macadamia...
 
Tuy nhiên, để triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngoài giải pháp về thương mại và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm, cần có những giải pháp đồng bộ khác như về giống, kỹ thuật, quỹ đất… phải được quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/tam-nhin-dai-han-cho-cay-mac-ca-3127195/