|
  • :
  • :

Hợp tác xã mở hướng đi mới 

Cùng với các hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn của ngành chức năng TP Cần Thơ, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã áp dụng các mô hình sản xuất sạch hoặc hữu cơ… Từ đó, không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng an toàn theo xu thế thị trường, mà còn mở hướng đi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX trong bối cảnh mới.

Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm (bên trái), phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt giới thiệu phân bón hữu cơ của HTX được sản xuất từ rơm rạ…

Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm (bên trái), phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt giới thiệu phân bón hữu cơ của HTX được sản xuất từ rơm rạ…

Cùng với sự trợ lực về cây giống, kỹ thuật cũng như kết nối thị trường của ngành Nông nghiệp địa phương và thành phố, HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền đã không ngừng đưa tiến bộ kỹ thuật vào quy trình canh tác, nhất là áp dụng tốt tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, đảm bảo cho trái vú sữa và sầu riêng đạt chất lượng an toàn cao, góp phần nâng cao thu nhập cho 49 thành viên cũng như nhiều nhà vườn có liên kết với HTX. Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, nhờ ứng dụng hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, xây dựng kho để bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, quản lý phân bón an toàn, tổ chức tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra đúng thời vụ cho thành viên… nên sầu riêng hay vú sữa của HTX đều đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, đối tác. Hiện toàn HTX có 45ha đất chuyên canh vú sữa, sầu riêng và phần lớn sản lượng thu hoạch đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài thành phố. Qua đó, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho thành viên HTX, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương.

Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào là từ phế thải rơm rạ đã qua trồng nấm rơm, tại địa phương, HTX New Green Farm, ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đã đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phân hữu cơ, qua đó đã nâng cao giá trị kinh tế cho các thành viên và nông dân vào HTX, mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: Hiện HTX có năng lực sản xuất trên 60 tấn phân hữu cơ/đợt (khoảng 45 ngày), cung cấp cho nhà vườn trồng cây ăn trái hoặc các HTX chuyên canh rau màu, HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt và khách hàng ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Hậu Giang… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho các thành viên vào HTX. Cùng với những nỗ lực của HTX, thời gian ngành Nông nghiệp địa phương và thành phố tích cực hỗ trợ cho HTX tiếp cận các nguồn lực đầu tư phát triển cơ hạ tầng, như hỗ trợ 400 triệu đồng trang bị máy kéo, phục vụ cơ giới hóa trong khâu sản xuất phân hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ 50%, tương đương 80 triệu đồng chi phí xây dựng thí điểm cơ sở trồng nấm rơm trong nhà kính và ngoài trời với quy mô diện tích hơn 400m2. Đây chính là điều kiện, giúp HTX New Green Farm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguồn phụ phẩm từ việc trồng nấm rơm để sản xuất phân hữu cơ, có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng, với giá thành thấp (khoảng 70.000 đồng/20kg), giúp nông dân dễ tiếp cận và sử dụng.  

Không chỉ tập trung mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, HTX New Green Farm còn đang mở hướng phát triển sản xuất phân bón hữu cơ dạng viên thay cho phân bột hiện có. Theo ông Đồng Văn Cảnh, sử dụng phân bón hữu cơ dạng viên là xu thế mà thị trường đang hướng tới, bởi phân bón dạng viên rất dễ sử dụng, giúp nhà nông tiết kiệm công sức cũng như chi phí sản xuất, giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, do HTX mới thành lập vào tháng 3-2023, có 7 thành viên, với nguồn vốn điều lệ thấp, cơ sở vật chất còn quá hạn hẹp, nên thiếu vốn đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng… Do đó, HTX rất cần nguồn lực hỗ trợ, tiếp cận các nguồn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại để sản xuất phân hữu cơ dạng viên, đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Việc đẩy mạnh khuyến khích, phát triển các mô hình HTX nông nghiệp sản xuất an toàn, hữu cơ đã góp phần tạo ra các sản phẩm sạch, đạt chất lượng, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Song, để thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển bền vững cả lượng và chất, các ngành chức năng thành phố cần đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển các HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để hỗ trợ HTX nông nghiệp mở hướng đi mới, phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn… từng bước gia tăng sức cạnh tranh thị trường, phát triển bền vững trong tình hình mới.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/hop-tac-xa-mo-huong-di-moi-a166013.html