Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi bị thu hẹp
Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi mới nhất cho thấy, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) ghi nhận 660 tỷ đồng doanh thu thuần trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, cây ăn trái đóng góp 338 tỷ đồng, chăn nuôi mang về 182 tỷ đồng và 140 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ.
Riêng trong tháng 8, HAGL tiêu thụ được 32.584 con lợn thịt và 30.900 tấn chuối. Song, sản lượng chuối xuất khẩu và chuối dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi không được công bố chi tiết như các báo cáo trước đó.
CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (Mã: PSL) cũng thông báo, HĐQT công ty đã thông qua ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng và cả năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đạt 102 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,05 tỷ đồng. Về sản lượng tiêu thụ lợn giống 9 tháng là 114 tấn, lợn thịt là 1.597 tấn.
Cả năm 2023, Chăn nuôi Phú Sơn ước tính có thể đạt 137 tỷ đồng tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8,1 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chăn nuôi Phú Sơn đặt kế hoạch kinh với tổng doanh thu gần 137 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 8,2 tỷ đồng. Sau 9 tháng thực hiện, công ty đã hoàn thành lần lượt 74%, 37% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Về kế hoạch trong quý IV, Chăn nuôi Phú Sơn dự kiến đảm bảo an toàn chăn nuôi tại trại lợn Xuân Bắc (nuôi lợn nái, sản xuất lợn giống để nuôi), Trại lợn Trị An (nuôi lợn thịt, công suất 6.000 con/lứa lợn) và trại lợn Xuân Thành (nuôi lợn thịt, công suất 7.000 con/lứa lợn).
Bên cạnh đó, HĐQT công ty thống nhất tiến hành các thủ tục bán thanh lý các tài sản tại Trại lợn Phú Sơn (thuộc huyện Trảng Bom), Trại Phước Tân (thuộc TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Đồng thời, Chăn nuôi Phú Sơn sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục giai đoạn 2 quy mô 2.400 lợn nái sinh sản của Dự án Trại lợn Xuân Bắc và triển khai Dự án Trại lợn cai sữa - lợn thịt tại Xuân Phú (đang vướng thủ tục về đất đai).
Với CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF), VCBS cho biết giá lợn hơi bắt đầu tăng mạnh trong quý II, đầu quý III, tuy nhiên kế hoạch mở rộng trang trại của BAF bị chậm tiến độ so với kỳ vọng nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ đợt hồi phục của giá thịt lợn trong năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đàn lợn đạt hơn 230.000 con, (số lượng lợn mở rộng thêm đạt 78% so với dự kiến từ đầu năm), doanh nghiệp cũng giữ lại một lượng lợn sữa để nuôi bán thịt nên sản lượng lợn bán ra chưa tương ứng với quy mô tổng đàn.
Đơn vị phân tích dự báo, tổng sản lượng lợn bán ra trong năm 2023 của BAF sẽ đạt khoảng 370.380 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 2.787 tỷ đồng và 268 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ việc mở rộng 3F (thức ăn chăn nuôI - trang trại - thực phẩm) sẽ được dồn sang năm 2024 nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, dự phóng tổng sản lượng lợn bán ra trong năm 2024 sẽ đạt 676.380 con với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 5.659 tỷ đồng và 509 tỷ đồng.
Cho tới thời điểm quý III, BAF đã hoàn thiện nhà máy cám Nghệ An, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy cám với tổng công suất 440.000 tấn/năm, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được 100% nguồn thức ăn đầu vào.
Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi sẽ bán kèm theo con giống để tối ưu công suất nhà máy cám. Sản lượng cám bán ra thị trường có thể đạt 80.000 tấn, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 882 tỷ đồng và 101 tỷ đồng cho công ty.
Năm 2023, VCBS dự báo doanh thu thuần của BAF có thể đạt 7.094 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2022 còn lãi sau thuế dự báo giảm 50% còn 145 tỷ đồng.
Giá lợn hơi bất ngờ hồi phục lại
Giá lợn hơi hôm nay 31/10/2023 gây bất ngờ, một số tỉnh tăng giá lợn trở lại. Thị trường từ Bắc vào Nam lại đảo chiều, tăng nhẹ vài nơi thêm 1 giá, mức giá trung bình đạt 52.000 đồng/kg. Mức giá đỉnh 53.000 đồng/kg vẫn được giao dịch với loại lợn đẹp ở các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Bình, TP.HCM, Cần Thơ,... thị trường có thể sẽ tăng thêm nhẹ vài giá vì lượng cung giảm dần bởi dịch ASF.
Tại miền Bắc, các tỉnh như Lào Cai, Bắc Giang giá lợn hơi đứng ở mức 51.000 - 52.000 đồng/kg. Đây cũng là giá lợn hơi phổ biến ở nhiều địa phương khác trong khu vực. Giá cao nhất là 53.000 đồng/kg, ghi nhận tại Hưng Yên và Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tại Nghệ An và Hà Tĩnh có giá lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở các tỉnh còn lại trong khu vực này phổ biến từ 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi ở các địa phương là Đồng Tháp, Bến Tre và Kiên Giang cùng đạt mức 51.000-52.000 đồng/kg. Các tỉnh thành trong khu vực có giá lợn hơi dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, riêng Tiền Giang 53.000 đồng/kg và Cà Mau 54.000 đồng/kg cao nhất cả nước.
Ngày 31/10, giá lợn hơi của Công ty Chăn nuôi C.P vẫn ở mức 54.000 đồng/kg ở miền Nam và 53.000 đồng/kg ở miền Bắc. Giá lợn Trung Quốc hôm nay nhích nhẹ lên mức 47.900 đồng/kg.
Hiện cung - cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ ổn định ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết nguồn cung từ các trang trại trong nước vẫn nhiều, trong khi sức mua vẫn yếu, chưa thể tăng theo kịp do người dân tiết kiệm chi tiêu. Theo ông Dương, tình hình tiêu thụ lợn những tháng cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn khi bước vào mùa lễ hội.
Hơn nữa, hiện nay cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng đàn lợn của cả nước, còn các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn. Các công ty không thể tính toán như nông dân được, mà họ sẽ phải tính đường dài trong chăn nuôi. Vì thế, khó xảy ra nguy cơ thiếu thịt lợn.