Đẩy mạnh tập huấn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây con chủ lực hoặc hiệu quả tại địa bàn, những năm qua Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã đẩy mạnh dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình nhận định: "Để tạo công ăn việc làm và nâng cao kiến thức cho nông dân và làm giàu phát triển kinh tế, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Rà soát những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp các hội viên nông dân có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt.
Chúng tôi chỉ Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh định hướng nội dung dạy nghề đối với cây, con chủ lực gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra chúng tôi còn chỉ đạo các cấp cơ sở Hội tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, lựa chọn con giống phù hợp để phát triển kinh tế".
Để giúp hội viên thoát nghèo, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tổ chức dạy các nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn... Được biết, trong thời gian vừa qua Hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho hàng nghìn học viên.
Hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình phối hợp với các ngân hàng trong công tác hỗ trợ, tín chấp cho hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ở địa phương. Hội cũng chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; thực hiện các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức chậm trả, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường; đảm bảo cho nông dân có điều kiện tốt nhất để gắn bó và làm giàu từ ngành nông nghiệp.
Ông Đặng Văn Chính, tiểu khu 5 (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho hay: "Trước đây tôi chủ yếu trồng cam và bưởi, tuy nhiên khi được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi của Hội tổ chức, tôi đã chuyển sang nuôi 70 con trâu vỗ béo để làm hàng hóa. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên rất nhiều, mỗi năm tôi có lãi gần ty đồng từ bán trâu vỗ béo".
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, qua học nghề có khoảng 90% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho các hội viên nông dân trong năm 2022, Hội đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị khác mở lớp đào tạo nghề sơ cấp tại Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho hàng nghìn hội viên tham gia.
Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết, thời gian tới Hội sẽ phát huy tốt vai trò của Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tham gia vào các chương trình dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội kết hợp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Thường xuyên xuống cơ sở để cầm tay chỉ việc cho hội viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, để tư vấn hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và làm giàu.