|
  • :
  • :

Nâng cao thu nhập bằng các mô hình trồng rau màu 

Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ ngoài phát triển các mô hình chuyên canh và xen canh trồng màu trên bờ rẫy, bờ ruộng, liếp vườn,... Nhiều nông dân còn đưa rau màu trồng trên nền đất ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả, nhất là trong vụ hè thu để nâng cao thu nhập.

Trồng rau muống tại Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn. 

Ða dạng mô hình

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, ông Trần Văn Chính ở phường Trung Kiên, quận Thốt Thốt không gieo sạ lúa vụ hè thu 2022 mà luân canh trồng mè trên diện tích 13 công đất. Hiện ruộng mè của ông đang phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Ông Chính cho biết: "Trồng mè không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu mà còn góp phần cải tạo đất và cắt đứt các mầm sâu bệnh, tạo thuận lợi cho sản xuất lúa các vụ sau được trúng mùa. Vụ hè thu năm trước tôi cũng trồng mè, năng suất đạt hơn 9 giạ/công, mè bán với giá 35.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời hơn 2 triệu đồng/công, cao hơn gần gấp đôi so với nhiều hộ dân trồng lúa vụ hè thu. Cây mè chịu nắng hạn rất tốt, lại ngắn ngày, trồng chỉ 75 ngày là thu hoạch nên cũng khá nhẹ chi phí đầu tư”.

Cùng với cây mè, hiện nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã đưa nhiều loại rau màu khác như bầu, bí, mướp, bắp, dưa leo, ớt…xuống  trồng luân canh trên nền đất ruộng. Ðồng thời, nông dân cũng phát triển nhiều mô hình chuyên canh trồng rau màu quanh năm trên nền đất ruộng và trên các bờ rẫy giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ông Trần Ngọc Ðông ngụ ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Bên cạnh trồng lúa, tôi còn có 2,5 công đất chuyên canh trồng rau màu, chủ yếu trồng mướp hương. Với giá mướp hương ở mức 6.000-9.000 đồng/kg như thời gian qua, năng suất đạt bình quân 1,5 tấn/công, nông dân có thể kiếm lời từ 4-10 triệu đồng/công/vụ kéo dài khoảng 3-4 tháng. Nhờ trồng mướp hương và các loại rau màu mà gia đình tôi cùng nhiều hộ dân tại địa phương đã có thu nhập đảm bảo hơn so với làm lúa".

Theo ông Lê Hữu Lộc ngụ ấp Ðịnh Thành, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, thời gian qua gia đình ông và nhiều hộ dân tại ấp Ðịnh Thành cũng đã có thu nhập khá tốt nhờ chuyển đổi từ lúa sang chuyên canh trồng các loại rau muống, cải xanh, hành lá, dưa leo, mướp hương… Ða số các loại rau màu thường có thời gian trồng ngắn nên nông dân có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhờ vậy có điều kiện nâng cao thu nhập, nhất là đối với những hộ dân có ít đất sản xuất. Ðể nâng cao hiệu quả trồng các loại rau ăn lá trên mỗi công đất, nông dân có thể chia nhỏ ra nhiều ô, xuống giống cách ngày nhằm có sản phẩm thu hoạch liên tục, có thu nhập thường xuyên. Với cách làm này, mỗi công đất trồng rau ăn lá, nông dân có thể thu được hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trồng các loại rau ăn lá đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức do phần lớn các khâu sản xuất đều làm thủ công bằng tay.

Chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật

Với các điều kiện tự nhiên thuận lợi về nguồn nước, đất đai, khí hậu và có hệ thống thủy lợi chủ động nước tưới tiêu, những năm gần đây nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã phát triển ngày càng đa dạng các loại rau màu theo nhiều mô hình khác nhau. Ðể đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, bên cạnh tăng cường liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất rau màu, nông dân tại các quận, huyện của thành phố cũng đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Anh Nguyễn Tuấn Thanh ngụ xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Hiện nay, tôi và nhiều hộ dân tại địa phương có thể mạnh dạn trồng nhiều loại rau màu với diện tích khá lớn, lên đến vài héc-ta mà không quá lo cho khâu chăm sóc. Bởi tôi đã ứng dụng các máy móc cơ giới vào khâu làm đất và tưới nước, cũng như áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tưới thấm. Ðặc biệt, khi trồng rau màu với quy mô lớn trên nền đất ruộng, tôi đã sử dụng màng phủ nông nghiệp để che đậy đất để khỏi phải tốn công làm cỏ và ít tưới nước". Theo ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, HTX không chỉ quan tâm bố trí vườn trồng rau một cách khoa học nhằm thuận lợi trong khâu chăm sóc và thu hoạch mà nhiều diện tích trồng rau tại HTX cũng đã được lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động nhằm tiết kiệm thời gian và công chăm sóc. Ðể nâng cao hiệu quản sản xuất, HTX đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chú ý sản xuất đa dạng nhiều loại rau màu theo nhu cầu thị trường, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, siêu thị và bếp ăn tập thể.

Mô hình trồng mướp hương trên nền đất ruộng tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Ðể hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương đã và đang tiếp tục quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển các loại rau màu theo nhiều mô hình khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Ðồng thời, giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị máy móc, công nghệ mới vào sản xuất và xây dựng, phát triển các mô hình, vùng trồng rau theo hướng an toàn, hiệu quả. Hỗ trợ và thúc đẩy nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX gắn với thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn, được cấp giấy chứng nhận để tạo thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, TP Cần Thơ đã xây dựng và mở rộng được 18 vùng sản xuất rau an toàn tại các quận, huyện, với tổng diện tích hơn 229ha, sản lượng hơn 28.390 tấn rau màu các loại mỗi năm.

 

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nang-cao-thu-nhap-bang-cac-mo-hinh-trong-rau-mau-a145759.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin