|
  • :
  • :

Giải "bài toán" thiếu nước vụ hè-thu

Tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp trong vụ hè-thu xảy ra từ nhiều năm qua đã và đang khiến cho người nông dân, chính quyền ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm ha đất canh tác lúa truyền thống phải chấp nhận bỏ hoang, người dân phải dần chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng khác. “Bài toán” thiếu nước sản xuất lúa vụ hè-thu vẫn loay hoay, chưa có lời giải…

Linh hoạt chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện thiếu nước

Ông Võ Xuân Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

huyện Quảng Trạch.

Mấy năm gần đây, để chủ động linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất “tử địa”, vùng trồng lúa vụ hè-thu thiếu nước tưới do hệ thống thủy lợi không vươn tới được sang cây trồng cạn, nhằm phá thế độc canh cây lúa, không để ruộng đất bỏ hoang; đồng thời thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè-thu do thiếu nước tưới đã được huyện Quảng Trạch thực hiện gần 15 năm nay, nhưng để thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống của bà con nông dân ở những địa phương thực hiện chuyển đổi là vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền, vận động đồng thời khẳng định đây là hướng đi đúng đối với những vùng đất thiếu nước sản xuất vụ hè-thu nên bà con nông dân ở địa phương đã tích cực thực hiện chuyển đổi.

Người dân xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa vụ hè-thu thiếu nước sang trồng khoai lang.

Người dân xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) chuyển đổi đất trồng lúa vụ hè-thu thiếu nước sang trồng khoai lang.

Hiện, tại các xã, như: Quảng Kim, Quảng Thạch, Quảng Xuân, Quảng Hợp, Quảng Châu…, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã vận động bà con nông dân chuyển đổi được khoảng 60ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác, như: Khoai lang, lạc, sắn, dưa…

Qua đánh giá, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa khoảng 1,5 lần; đồng thời, tại những vùng đất bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác không làm mất đi các điều kiện cần thiết để có thể trồng lúa trở lại nếu có nước tưới.

Hiện nay, tại huyện Quảng Trạch, việc tiến hành chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn đang được chính quyền các địa phương tiến hành, nhưng để việc chuyển đổi hiệu quả và bền vững cần có nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, xác định các loại cây trồng cạn phù hợp với từng vùng, từng địa phương; tiếp tục hỗ trợ giống cây trồng chuyển đổi cho người dân; triển khai thực hiện ứng dụng các mô hình tưới tiêu hợp lý; ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và nhất là xây dựng được chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân…

Nan giải chuyện nước tưới vụ hè-thu

Ông Nguyễn Văn Doãn, Trưởng thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh).

Sau khi kết thúc sản xuất vụ lúa đông-xuân, thôn Trường Niên đã nhanh chóng triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè-thu với khung thời vụ gieo trồng được ngành Nông nghiệp ban hành. Nhưng, thách thức lớn nhất với người nông dân nơi đây vẫn là giải quyết “bài toán” nước tưới…

Thôn Trường Niên có 380 hộ, với khoảng 80% người dân chuyên sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 300 hộ có ruộng. Vụ đông-xuân vừa qua, toàn thôn gieo trồng được 90ha lúa, năng suất bình quân đạt khoảng 62,3tạ/ha. Sau khi kết thúc sản xuất vụ đông-xuân, đến thời điểm này, bà con nông dân đã triển khai lúa vụ hè-thu.

Tuy nhiên, diện tích gieo trồng chỉ được khoảng 60ha, nguyên nhân của việc sụt giảm diện tích là do thiếu nước. Điều này đã và đang khiến đất canh tác nông nghiệp ở thôn bị lãng phí; thu nhập, đời sống của người dân phần nào bị ảnh hưởng; đồng thời gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp lâu dài ở đây.

Hàng chục ha đất canh tác lúa của thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh phải bỏ hoang, do thiếu nước sản xuất.

Hàng chục ha đất canh tác lúa của thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh phải bỏ hoang, do thiếu nước sản xuất.

Thôn Trường Niên thuộc vùng tưới của hồ chứa nước Rào Đá (xã Trường Xuân, Quảng Ninh), đây là một trong những hồ chứa nước lớn nhất, nhì tỉnh. Nhiều năm qua, trên khắp các cánh đồng ở thôn không có nước, gặt xong, người dân đành bỏ hoang ruộng cho cây cỏ dại mọc.

Những cánh đồng không thể canh tác lúa vụ hè-thu, người dân đành bỏ ruộng đi làm thuê, làm mướn; một số ít chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế không cao cũng vì thiếu nước. Thêm nữa, người dân lại tốn nhiều công sức hơn, vất vả hơn so với trồng lúa.

Nguyên nhân thiếu nước dẫn đến diện tích lúa hè-thu bị bỏ hoang ở thôn Trường Niên, là do địa hình hình của thôn ở cuối nguồn trạm bơm Duy Hàm. Dù địa phương đã đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước bảo đảm với chiều dài khoảng 4km; trong đó, hệ thống kênh mương cấp 1 do Chi nhánh thủy nông Quảng Ninh quản lý và hệ thống kênh mương cấp 2 do xã Hàm Ninh và thôn Trường Niên quản lý. Đặc biệt, việc cung cấp, tạo nguồn nước tưới của trạm bơm Duy Hàm đóng tại xã Duy Ninh không đủ; đồng thời hệ thống trạm bơm nước tạo nguồn hồ Rào Đá của thôn Trường Niên xây dựng đã lâu, sau nhiều lần sửa chữa, hiện đã xuống cấp, nên việc vận hành tưới tiêu ì ạch, không bảo đảm…

Mỗi vụ sản xuất lúa, thôn Trường Niên mất kinh phí khoảng 20 triệu đồng để vận hành trạm bơm tạo nguồn nước, riêng vụ hè-thu kinh phí ít hơn, do ruộng bỏ hoang nhiều. Mong mỏi của người dân nơi đây là đề nghị chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan quan tâm, nhanh chóng tạo điều kiện bơm nước, tạo nguồn nước đủ để bà con nông dân thôn Trường Niên sản xuất lúa vụ hè-thu, không để ruộng bỏ hoang như hiện nay…

Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh (Quảng Ninh).

Vụ hè-thu năm nay, đối với người dân thôn Long Đại được xác định là rất khó khăn. Dù đã nỗ lực chống hạn, nhưng hàng chục ha đất nông nghiệp vẫn phải chịu cảnh bỏ hoang, thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua. Người dân đã phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương mong có giải pháp khắc phục, bảo đảm chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp…

Sau mỗi vụ sản xuất đông-xuân, trong khi nhiều địa phương khác tất bật xuống giống vụ hè-thu, thì người dân ở thôn Long Đại lại phải loay hoay thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thôn có gần 600 hộ dân với 2.200 khẩu, trong đó, 474 hộ dân có ruộng. Vụ sản xuất đông-xuân vừa qua, thôn đã gieo trồng được gần 95ha lúa, với năng suất, sản lượng lúa khá cao. Tuy nhiên, bước vào vụ hè-thu năm nay, toàn bộ diện tích sản xuất lúa của thôn đành phải bỏ hoang, nguyên nhân cũng vì thiếu nước.

Các hồ chứa nước ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh được đầu tư xây dựng nhưng không chủ động được nguồn nước.

Các hồ chứa nước ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh được đầu tư xây dựng nhưng không chủ động được nguồn nước.

Nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của thôn Long Đại phụ thuộc chủ yếu vào các hồ Hóc Tré, hồ Trởm, hồ Lùm Pheo… Hàng năm, các hồ chứa nước này đều được nâng cấp, tu sửa với nguồn kinh phí lớn nhưng cũng chỉ bảo đảm được phần nào nước tưới cho sản xuất vụ đông-xuân. Do không có nước sản xuất, tình trạng bỏ ruộng trong sản xuất vụ hè-thu hầu như năm nào cũng xảy ra; đặc biệt là vụ sản xuất năm nay, người dân thôn Long Đại phải bỏ hoang hoàn toàn.

Tại các vùng đồng sản xuất lúa truyền thống của thôn Long Đại, như: Bàu Mưng, Quai Ngoài, Quai Trong, Mẫu Bởi, Cây Trai, Tam Vùng, năm nay người dân cũng không thể triển khai sản xuất do không bố trí được nguồn nước tưới. Mấy năm trước, vụ hè-thu, người dân thôn Long Đại vẫn sản xuất được khoảng 30ha lúa. Nhưng năm nay, dự báo hạn hán, khô hạn nên toàn bộ diện tích gần 95ha đất trồng lúa phải bỏ hoang. Chính quyền đã phải thực hiện chuyển đổi khoảng 30ha đất sản xuất nông nghiệp sang trồng các loại cây trồng cạn, như: Mướp đắng, dưa hấu, dưa lê…

Trước thực tế trên, địa phương đề nghị các ngành chuyên môn, đơn vị liên quan cần sớm tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng thủy lợi của địa phương. Trên cơ sở đó, có phương án căn cơ, lâu dài, xem xét đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi để có thể lấy nước từ hồ Rào Đá về thôn Long Đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thôn phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt…

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/giai-bai-toan-thieu-nuoc-vu-he-thu-2218673/