|
  • :
  • :

Cần giải pháp căn cơ cấp bách 

Thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cường độ khai thác cao, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm nhanh về trữ lượng, đặc biệt là cá ở tầng đáy. Nếu không kịp thời triển khai các giải pháp phục hồi, tái tạo, bảo tồn để khai thác bền vững thì tương lai không xa, nguồn lợi thủy, hải sản trên vùng biển Kiên Giang sẽ cạn kiệt.

Bài 1: Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm

Là một trong những ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, trong những năm qua nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà dẫn đến hậu quả nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm ở vùng ven bờ đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng...

 

Hải sản khai thác từ biển ngày càng suy giảm.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, hiện nay nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh đang giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích cỡ cá đánh bắt được. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đang giảm dần theo hàng năm, kèm theo đó là chất lượng không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng cao, nếu như trước đây, một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm, như cá trích, tôm, ghẹ, sò, điệp, mực... Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi là do cùng với việc khai thác quá mức là sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ; rồi còn do việc sử dụng các phương pháp cấm khai thác (chất nổ, xung điện, cào bờ, xiệp mé…).

Với áp lực của cuộc sống hiện nay, để khai thác được nhiều loài thủy sản với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ nhu cầu mưu sinh thì ngư dân sẵn sàng vi phạm làm các nghề cấm hoặc cố tình vào khai thác sai vùng để đạt được mục đích khai thác. Trong một chuyến đi thực tế cùng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang kiểm tra ngư trường vùng biển Kiên Hải, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Phú Quốc… chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến không ít trường hợp vi phạm trong việc đánh bắt thủy sản. Trong đó, nhiều nhất vẫn là tình trạng khai thác trong vùng cấm, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác, nhất là những loại tàu nhỏ không có giấy phép hoạt động... Khi hỏi một số người dân làm nghề trong khu vực cấm khai thác, rằng họ có biết việc làm của họ đang vi phạm vào quy định công tác bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản không, hầu hết các ngư dân đều thừa nhận việc làm của mình là không đúng. Có người nói, họ cũng đã từng bị các lực lượng chức năng nhắc nhở và phạt tiền, nhưng tất cả cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo hàng ngày nên họ “biết sai vẫn cứ làm”…

Khi tàu của Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang xuất phát kiểm tra trên vùng biển Kiên Hải một lúc thì đã phát hiện và kiểm tra 3 tàu không số đang khai thác cào nghêu lụa bằng lồng sắt. 3 tàu cá này có chiều dài 12m, chiều rộng khoảng 3m. Qua kiểm tra cả 3 thuyền trưởng đều không có giấy tờ gì liên quan đến phương tiện. Các chủ tàu đều là thuyền trưởng và đã thừa nhận sử dụng tàu cá không số để khai thác thủy sản. Ông Huỳnh Văn Lâm, ngụ ấp Giàn Gừa, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất cho biết, việc tàu không đăng ký, đăng kiểm để được đánh bắt là sai, nhưng cũng vì cuộc sống khó khăn và đây là nghề mưu sinh hàng ngày cho cả gia đình nên lén lút chạy ra hoạt động.

Không chỉ các tàu đánh bắt có chiều dài 12m hoạt động trong vùng biển cạn, mà ngay cả rất nhiều phương tiện tàu cá có chiều dài trên 15m vẫn thực hiện hành vi khai thác thủy sản sai vùng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Khi tàu của Kiểm ngư trên đường tiếp tục tuần tra thì phát hiện khu vực vùng lộng Phú Quốc có phương tiện cào bay đang khai thác thủy sản trái phép, phương tiện ngay lập tức đã cắt dây lưới vứt bỏ ngư lưới cụ để tháo chạy. Lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang vừa truy đuổi, vừa phát trên loa thông báo đề nghị thuyền trưởng quay lại vớt ngư lưới cụ lên. Biết không thể thoát được, thuyền trưởng tàu cá KG 92909 TS đã phải chấp hành hiệu lệnh của lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang quay lại vớt ngư lưới cụ và di chuyển về khu neo đậu tàu cá để phục vụ kiểm tra hành chính.

Kiên Giang có chiều dài bờ biển phần đất liền trên 200km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Vùng biển Kiên Giang nằm trọn trong vịnh Thái Lan, có diện tích khoảng 63.290km2.

Qua kiểm tra, tàu cá KG 92909 TS, có chiều dài 21m do ông Dương Ngọc Dung, thường trú tại phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên làm chủ, đang khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo. Thuyền trưởng là ông Tranh Văn Kiên có địa chỉ thường trú khu phố Xà Ngách, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương. Qua kiểm tra và truy xuất vào cơ sở dữ liệu Quốc gia trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Cán bộ Kiểm ngư phát hiện thuyền trưởng Tranh Văn Kiên này đã nhiều lần vi phạm pháp luật về luật khai thủy sản sai vùng trong các năm 2022; 2023 và 2024.

Không chỉ có tàu cá của Kiên Giang vào khai thác sai vùng (vùng biển cạn), nhiều phương tiện có chiều dài trên 15m ở một số tỉnh ngoài như Bình Thuận, Khánh Hòa… vẫn ngang nhiên khai thác một cách vô tội vạ. Tàu cá mang biển kiểm soát BTH-85673-TS, đang hành nghề lưới vây trên vùng biển ven bờ, cách vàm Xẻo Nhàu, huyện An Minh khoảng 5 hải lý. Tàu cá này dài 13,9m, tàu có 9 thuyền viên hoạt động nghề lưới vây. Theo quy định, tàu cá Bình Thuận chỉ được khai thác ở vùng lộng, không được đánh bắt ở vùng biển ven bờ. Thuyền trưởng tàu cá vi phạm cho biết, việc khai thác thủy hải sản ở biển Bình Thuận mùa này gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, cộng với nguồn lợi hải sản dần ít ỏi, khiến anh quyết định vượt biển hàng trăm hải lý từ vùng biển quê nhà vào Kiên Giang khai thác. Theo chia sẻ của thuyền trưởng, anh cùng thuyền viên sẽ di chuyển ra khu vực biển xa bờ, thuộc vùng lộng để tiếp tục bủa lưới, mong có được nguồn thu nhập để bù vào chi phí và có tiền nộp phạt các lỗi vi phạm.

Ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, cho biết, trong chuyến tuần tra, kiểm soát mới đây, lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang phát hiện nhiều vụ vi phạm đánh bắt trong vùng cấm, trong đó đáng chú ý là các phương tiện có chiều dài 15m trở lên ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa đăng ký nghề lưới vây, lưới cá cơm… nhưng lại vào khai thác vùng cấm (gần bờ) ở địa bàn huyện An Minh, Kiên Hải. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Kiểm ngư tỉnh qua tuần tra, kiểm tra đã phát hiện 110 phương tiện vi phạm khu vực khai thác hải sản. Theo đó, đã chuyển về cấp Sở xử lý 35 vụ, đưa về địa phương xử lý 75 vụ.

Hiện sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm trong khi cường lực khai thác liên tục tăng lên. Năm 2022-2023, sản lượng khai thác 207.632 tấn, giảm 9% so sản lượng khai thác trong năm 2014-2015 (228.089 tấn) nhưng cường lực khai thác đã tăng 134,6%.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/can-giai-phap-can-co-cap-bach-a174443.html