|
  • :
  • :

Đinh Lạc: Dự báo mưa về cho cà phê

Đinh Lạc, vùng chuyên canh cà phê nổi tiếng của huyện Di Linh đang trong những ngày đón mưa đầu mùa giải nhiệt cho cây trồng. Nông dân Đinh Lạc từ vài năm nay đã “biết ý” ông trời, biết khi mưa, khi nắng để canh tưới, canh hái cây cà phê. Đây là hiệu quả của mô hình Lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu được triển khai tại địa phương.

 
Nông dân Đinh Lạc sử dụng hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu
Nông dân Đinh Lạc sử dụng hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu
 
Ông Nguyễn Hữu Thái, Trưởng Thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc cho biết, từ năm 2020, khi trạm cảm biến khí hậu được lắp đặt tại Thôn Đồng Lạc 4, cách chăm sóc cà phê của bà con thay đổi hẳn. Thay vì nhìn mây, nhìn trời đoán mưa, đoán nắng, bà con đã biết lúc nào trời nắng, khi nào trời mưa để tính toán tưới tiêu, bỏ phân hay làm chồi, thuê công hái. Ông Thái chia sẻ: “Phần mềm này dùng không tốn tiền, chỉ cần mình có điện thoại thông minh là dùng được. Ở vườn nhà nào cũng có thể theo dõi được cây cà phê khô đến mức nào, đã cần tưới hay chưa, rất là tiện”.
 
Đây chính là thành quả của chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Vào năm 2020, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã đầu tư, xây dựng mô hình Hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu (Giải pháp IoT quan trắc và cảnh báo sớm thời tiết và giám sát độ ẩm đất cho vùng sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả công nghệ cao) tại vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đinh Lạc, huyện Di Linh với diện tích cà phê là 371 ha thuộc 3 thôn Đồng Lạc 4, Tân Lạc 1 và Tân Lạc 3. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 230 triệu đồng, được vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
 
Hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu bao gồm 1 trạm quan trắc thời tiết độc lập kết nối 3G; 3 thiết bị thu sóng trung tâm; 20 thiết bị cảm biến độ ẩm đất không dây phát sóng tầm xa. Những thiết bị này sẽ phục vụ theo dõi trực tiếp tình hình khí hậu, báo lên trạm tổng để người cần thông tin sử dụng. Ngoài ra, còn thực hiện lấy 20 mẫu đất để phân tích sa cấu đất. Một phần mềm trên điện thoại thông minh, website phục vụ 500 nông hộ trong vùng. Mô hình lắp đặt và vận hành thiết bị kiểm soát qua internet, lắp đặt pin mặt trời, giám sát thời tiết tự động qua internet, các thiết bị đo độ ẩm và trạm thời tiết độc lập. 
 
Hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet, người dân trên địa bàn vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đinh Lạc có thể truy cập dữ liệu trong hệ thống phục vụ cho sản xuất tại địa phương. Thông qua phần mềm mPlatform, nông dân có thể theo dõi tình hình thời tiết, nhiệt độ để tưới đúng chu kì phát triển của cây, để điều tiết công hái cà phê, và biết được ngày nắng, ngày mưa để chủ động hơn trong việc phơi, hái cà phê. Điểm nhấn đối với các mô hình ứng dụng IoT là thông qua các cảm biến, thiết bị, hệ thống sẽ thu thập các chỉ số môi trường liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để dự báo, khuyến cáo cho nông dân trong vùng. Vì vậy, việc ứng dụng mô hình giúp nông dân giảm được nhiều khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán canh tác trong nông dân phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.
 
Anh Lê Văn Trịnh, Thôn Đồng Lạc 4 chia sẻ, anh thường xuyên theo dõi phần mềm nên nắm được thời tiết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, biết tưới nước, xử lý ra hoa cho cây cà phê cũng như bón phân, phun thuốc giảm được chi phí khi gặp thời tiết bất lợi. Nhờ vậy mà 2,5 ha cà phê của gia đình anh và 5 sào tiêu cũng đạt năng suất rất tốt, chi phí cho chăm bón cũng giảm, bớt gánh nặng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vốn tăng quá cao. Anh Ka Thìn, Khuyến nông viên xã Đinh Lạc đánh giá, trạm cảm biến khí hậu thực sự hiệu quả với nông dân vùng cà phê công nghệ cao trong xã, giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn rất nhiều. 
 
Tuy nhiên, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết, mô hình rất hiệu quả nhưng việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư hệ thống IoT khá cao, trong khi người dân khó tiếp cận được vốn. Do chi phí cao nên nông dân phải lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu của thị trường để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, việc quản lý, vận hành hệ thống đòi hỏi kỹ thuật cao, nông dân cũng cần học hỏi nhiều để ứng dụng các tiện tích mang lại. Giữa giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện tại, việc triển khai các kỹ thuật, công nghệ cao phục vụ nông nghiệp là rất cần thiết, là hướng đi phù hợp để đảm bảo nông nghiệp bền vững. 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202204/dinh-lac-du-bao-mua-ve-cho-ca-phe-3113276/