Theo TS. Lương Văn Dũng, cây Sói rừng được biết đến từ việc một cộng đồng dân ở tỉnh Hòa Bình có tuổi thọ trên 100 tuổi, thức uống thường xuyên của họ là loài thảo dược này. Từ thực tế sử dụng có hiệu quả, Vườn BĐNB đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học và được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Cuối tháng 10/2021, hội thảo “Giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài, tham vấn quy trình thu hái và sơ chế nguyên liệu cây Sói rừng làm dược liệu ở Lâm Đồng” quy tụ đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Trường ĐHĐL, Công ty Dalatis, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Dự án VFBC, tổ chức Helvetas,…
PGS, TS. Trịnh Thị Điệp (ĐHĐL) chia sẻ nhiều thông tin về giá trị dược liệu của cây Sói rừng. Bà cho biết, ở Trung Quốc, hiện đang lưu hành 38 loại thuốc có từ chất Sói rừng; về thành phần hóa học, loài này có hơn 200 hợp chất. Các nhóm hoạt chất có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư, chống giảm tiểu cầu,… Ngoài ra, nó còn bảo vệ gan, hạ lipid huyết, chống tăng đường huyết… nhưng độc tính thấp. Mẫu để TS. Điệp phân tích thu hái tại các điểm ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà; bao gồm lá, thân của cây Sói rừng. PGS, TS. Trịnh Thị Điệp cho biết thêm: “Để có thể đưa vào sử dụng làm dược liệu cần tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn về các thành phần hóa học khác, sự biến đổi trong quá trình trồng trọt, chế biến; đánh giá tác dụng dược lý; đánh giá độ an toàn (độc tính cấp, bán trường diễn) và xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm”.
Sói rừng đã ghi nhận phân bố tự nhiên tại 8 tỉnh Việt Nam. Thay mặt nhóm nghiên cứu, theo ThS. Lê Văn Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Rừng nhiệt đới (Vườn BĐNB) chia sẻ sự phân bố và trữ lượng của Sói rừng ở Lâm Đồng thì Sói rừng có ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh và thành phố Đà Lạt với đai độ cao từ gần 1.200 mét đến trên 2.100 mét. Tổng diện tích ước trên 23.300 ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở Lạc Dương với trên 13.200 ha, Đam Rông trên 5.600 ha, Lâm Hà gần 2.600 ha… Trữ lượng Sói rừng theo thành phần nguyên liệu, thân chiếm 50,5%, lá chiếm 30,8%và rễ chiếm 18,6%... ThS. Lê Văn Sơn cho biết thêm: “Kết quả ước lượng cho thấy Lâm Đồng có trữ lượng Sói rừng khoảng 3.087.947 kg. Lạc Dương có trữ lượng ước lượng lớn nhất với khoảng 2.768.395 kg. Đây là khu vực có tiềm năng nhất trong tỉnh để khai thác và phát triển nguồn nguyên liệu Sói rừng với trữ lượng trong tự nhiên”.
Về quy trình thu hái và sơ chế nguyên liệu cây Sói rừng, theo TS. Lương Văn Dũng, trước hết, khảo nghiệm và xây dựng quy trình thu hái nguyên liệu, bao gồm 5 bước: Xác định vùng thu hái; xác định tuổi cây thu hái; xác định bộ phận thu hái; xác định mùa thu hái và số lần thu hái trong năm; xác định kỹ thuật thu hái. Tiếp theo là khảo nghiệm và xây dựng quy trình sơ chế nguyên liệu, gồm 4 bước: Tuyển chọn nguyên liệu; xử lý nguyên liệu; phơi sấy và bảo quản nguyên liệu. Trên cơ sở này, TS. Dũng đề xuất những tiêu chuẩn cơ sở cho quy trình thu hái và sơ chế nguyên liệu cây Sói rừng. Ví dụ, về tuổi cây thu hái, từ 2 năm trở lên, cây già (thân, lá màu xanh đậm); mùa thu hái là mùa khô (tháng 11 - 4); xử lý nguyên liệu trước hết là phân loại (để riêng rễ, thân, lá) sau đó khâu làm sạch (rửa bằng nước sạch; thân, lá (2 - 3 lần); rễ (4 - 5 lần), ngâm nước muối 30 phút) và cắt nhỏ rễ, thân từ 3 - 5 cm, còn lá để nguyên… Tiếp theo là các công đoạn phơi, sấy, bảo quản…
Đề tài nghiên cứu cây Sói rừng được mở rộng như là pha 2, đó là sự tham gia của Công ty TNHH Dalatis với quy trình làm trà túi lọc. Theo Ds. Nguyễn Thị Nhung, sản phẩm có tiềm năng phát triển nhờ “Sói rừng Lâm Đồng thu hái tự nhiên trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, đây là nguồn nguyên liệu sạch; được sản xuất ra thành phẩm với sự phối trộn cao chiết xuất từ lá sẽ tạo hiệu quả sử dụng và sự khác biệt”. Ds. Nhung cũng nêu tiềm năng phát triển ngoài trà túi lọc Sói rừng tiếp tục đa dạng sản phẩm bằng trà hòa tan, cao đóng lọ, ống uống, chai nước, viên, sữa tắm, kem bôi ngoài da... Bà Nguyễn Thị Nhung cũng đề xuất: Về nguồn nguyên liệu, cần đảm bảo ổn định, thu hái và sơ chế đúng, bền vững. Về thị trường, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành trong việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thị trường.
Chủ nhiệm đề tài TS. Lương Văn Dũng nhận định với chúng tôi: “Với nhiều công dụng về mặt y học, trữ lượng lớn, việc nhân giống sẽ không gặp khó khăn (hiện nhóm nghiên cứu chọn 3 ha tại 3 địa bàn huyện, thành phố để khảo nghiệm); mặt khác, phân bố tự nhiên phổ biến dưới tán rừng lá rộng, Sói rừng có tiềm năng sáng giá để phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng ở Lâm Đồng”. Cây Sói rừng đem lại nhiều ý nghĩa, từ y tế đến kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ rừng.