|
  • :
  • :

Cung tăng, cầu giảm, giá trái bơ Úc chạm đáy

Vào một buổi sáng tháng 10, Tim Kemp mở cửa kho lạnh trong trang trại của gia đình ông gần Sydney và lấy 9 tấn bơ.

Vài năm trước, 9 tấn trái cây xanh khổng lồ này trị giá gần 40.000 USD.

Hiện nay, Kemp mong đợi thu được 1/5 số tiền đó. “Về cơ bản, chúng tôi đang bán bơ với giá thấp hơn giá thành sản xuất", ông nói.

Ở vùng đất được cho là đã phát minh ra bánh mì nướng bơ, siêu thực phẩm này đột nhiên siêu rẻ. Nguồn cung tăng và nhu cầu giảm – do các quy định phong tỏa kéo dài hàng tháng trong đại dịch Covid-19 khiến các quán cà phê ở Sydney và Melbourne đóng cửa - khiến giá bơ tại siêu thị giảm mạnh xuống còn khoảng 60 xu.

Nông dân trồng bơ Tim Kemp cảm thấy may mắn vì đã không bất chấp tất cả để tăng nóng diện tích trồng bơ khi giá trái cây này ở mức cao. Ảnh: Washington Post.

Khi Úc mở cửa trở lại và người tiêu dùng thèm thuồng bánh mì nướng bơ trong mùa hè nóng nực, những người nông dân trồng bơ đang cảm thấy "bị nghiền nát" bởi lo lắng. Một số đang bán loại trái cây đắt tiền trước đây bằng bất cứ cách nào, bao gồm cả việc biến chúng thành dầu ăn và bỏ chúng đi làm phân bón.

“Đó là một cơn bão giá thấp hoàn hảo", Kemp chán nản. “Điều này đã xảy ra trong năm hoặc sáu năm. Tôi chỉ không tưởng tượng nổi nó sẽ gây ảnh hưởng nặng tới chúng tôi như hiện thời. Nó thực sự đã tàn phá chúng tôi”.

Đại dịch virus Corona tàn phá giá cả hàng hóa trên thế giới. Nhưng không giống như sự gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng thiếu container vận chuyển và rượu sâm banh, cùng các hàng hóa khác, vấn đề về bơ của Úc chủ yếu xuất phát từ nội địa.

Rất lâu trước khi bánh mì nướng bơ trở thành món bắt buộc trong thực đơn giữa buổi của người Mỹ, món này đã trở nên phổ biến ở Úc, nơi các tờ báo đã đề cập đến nó từ năm 1929 và một quán cà phê ở Sydney bắt đầu phục vụ món này vào đầu những năm 1990. Khi nhu cầu tăng cao trong thập kỷ qua - làm dấy lên cuộc tranh luận về thói quen chi tiêu của thế hệ trẻ - sản lượng bơ của Úc tăng hơn gấp đôi.

Theo John Tyas, Giám đốc điều hành của Avocados Australia, sản lượng bơ năm nay tăng tới 65%.

Ông nói, sự bùng nổ một phần là do điều kiện phát triển lý tưởng sau nhiều năm hạn hán. Nhưng đó cũng là kết quả của hàng chục nghìn cây bơ - được trồng cách đây ba hoặc bốn năm khi giá cao - nay bắt đầu kết trái. Sự gia tăng nhập khẩu bơ gần đây chỉ làm tăng thêm mức độ dư thừa.

Ngay khi những người trồng trọt bắt đầu thu hoạch vụ mùa kỷ lục của năm 2021, quy định đóng cửa do dịch bệnh ở hai bang đông dân nhất của đất nước đã khiến nhu cầu tiêu thụ chững lại.

Tác động lớn đầu tiên được cảm nhận ở các trang trại phía bắc Queensland, nơi những vườn cây ăn quả chín đầu tiên. Alan Poggioli thông thường có thể bán bơ dễ dàng. Nhưng năm nay, thị trường tràn ngập quả bơ. Vì vậy, lần đầu tiên, Poggioli phải đổ đi 10-20 tấn bơ.

Xa hơn về phía nam ở Queensland, Tony Pratt và vợ để bơ trên cây càng lâu càng tốt với hy vọng giá sẽ tăng. Nhưng đến tháng 8, thời điểm họ thường thu hái xong, trái bơ bắt đầu rớt giá.

Gia đình Pratts tìm cách cứu vãn tình hình, nhưng cũng chỉ bán được vài xu một quả. Julie Pratt lên mạng xã hội để bán bơ trực tiếp cho khách hàng. Tony bắt đầu bán rong chúng bên vệ đường và tặng bơ cho bạn bè để làm thức ăn cho gia súc và lợn.

Ian Tolson, một người trồng và đóng gói bơ ở Stuarts Point, New South Wales, cho biết năm nay ông đã gửi đi rất nhiều trái cây chất lượng kém hơn để biến thành dầu. Tuy nhiên, ông ước tính mình đã vứt vài trăm tấn bơ ở một góc trang trại để làm phân trộn.

“Úc sẽ có rất nhiều bơ trong những năm tới, khi thêm nhiều cây đến độ ra trái", ông nói.

Nhiều nông dân nhỏ đổ lỗi cho các doanh nghiệp sản xuất bơ lớn, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế, đã làm bơ tràn ngập thị trường.

Izzy Adar, một người trồng bơ ở phía bắc New South Wales, người tuyên bố rằng ông nội của ông là người đầu tiên đưa nghề trồng bơ đến Israel, cho biết ông có thể tồn tại vài năm với giá thấp. Nhưng tình trạng dư thừa kéo dài hơn sẽ buộc những nông dân nhỏ như ông phải ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, Trevor Bendotti, một người trồng bơ thế hệ thứ hai ở Tây Úc, người có trang trại lớn gấp bốn lần Adar, lại cho rằng trong 5 năm qua, bơ mang lại nhiều lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí sản xuất so với các hàng hóa khác, và cho rằng người trồng bơ bây giờ cần phải canh tác hiệu quả hơn để chống lại giá cả thấp hơn. 

Kemp, người có trang trại nằm trên một cao nguyên nhỏ cách Sydney một giờ về phía bắc, đồng tình với Bendotti. Cha Kemp bắt đầu trồng cây bơ từ những năm 1980, khi ông còn nhỏ, theo gợi ý của một người từ Bộ Nông nghiệp Úc.

Hiện trang trại của Kemp có 3.000 cây bơ, chiếm khoảng một nửa vườn cây ăn trái.

Vào một buổi sáng trong lành tháng trước, Kemp đi vòng quanh trang trại xem người hái trái cây Robert Clark đang hái những quả quả bơ Reed có kích thước bằng quả bưởi đặt vào thùng nặng nửa tấn để gửi đến nhà đóng gói.

Vào giờ ăn trưa, Kemp và vợ của ông, Elise, thảo luận về sự thừa thãi bơ trên thị trường đang tạo ra vụ thu hoạch thảm hại.

Kemp cảm thấy may mắn vì không bị cám dỗ mở rộng diện tích trồng quả bơ nhanh chóng (khi giá trái bơ lên cao) làm mờ mắt. Bây giờ ông đang quy hoạch lại diện tích trồng bơ với việc cắt tỉa bớt hoặc bỏ những cây cho ít trái. Đến năm sau, Kemp sẽ giảm số lượng cây bơ xuống 2.000 cây, nhưng bù lại chúng sẽ khỏe mạnh và cho năng suất cao hơn.

“Ý tưởng”, ông nói, “là trồng trọt ít hơn, nhưng cho kết quả tốt hơn”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/cung-tang-cau-giam-gia-trai-bo-uc-cham-day.ngn
Tin liên quan
Chưa có thông tin