Một chiếc xe may mắn được phát phiếu vào nhà máy
Gần 800 ha chờ thu hoạch
Những ngày qua, hàng chục chuyến xe chở sắn lần lượt nối đuôi nhau di chuyển đến Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy (xã Phong An, Phong Điền) để bán. Tuy nhiên, số lượng sắn được thu mua không đáng kể, thời gian không cụ thể, ngày mua, ngày không. Vì thế, hàng chục chiếc xe chở sắn nằm chờ dọc tuyến đường dẫn vào nhà máy. Nhiều lái xe phải móc võng nằm chờ ở trước với hy vọng nhà máy sớm thu mua.
Có mặt tại Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế trong ngày 22/9, chúng tôi ghi nhận việc thu mua sắn diễn ra rất chậm. Một số xe “may mắn” được vào trong khuôn viên nhà máy, nhưng cũng phải tiếp tục chờ đợi, chứ không được thu mua ngay. Theo người dân, tỷ lệ thu mua sắn chỉ đạt khoảng 10 - 20% so với mọi năm. Với số lượng các xe đậu chờ như hiện tại, nếu nhà máy thu mua tối đa, chỉ khoảng 1 giờ sẽ tiến hành thu mua xong, nhưng không biết vì sao lại chậm thu mua như thế.
Bà Nguyễn Thị Sinh, thôn Thượng An, xã Phong An (Phong Điền) cho biết, mùa mưa đã bắt đầu, nhiều diện tích sắn bắt buộc phải thu hoạch gấp, vì sắn ngập úng chỉ để 2 - 3 ngày sẽ bị hư hỏng.
Trong khi đó, nhiều thương lái cũng “sốt ruột” không kém.
Một thương lái cho hay, sắn còn nằm trên xe và phải đứng chờ thì sắn còn ứ đọng trên các cánh đồng, nhà dân không có xe để vận chuyển. Trong khi thu mua người dân tại ruộng đúng trọng lượng, do để lâu ngày trên xe, sắn giảm trọng lượng. Hơn thế, nhiều diện tích đã mua của người dân, tiền cũng đã trao, giờ bị ứ đọng, nếu sắn bị hư hỏng thì sẽ “ôm nợ”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, toàn huyện đang còn gần 800 ha sắn chưa thu hoạch. So với mọi năm thời điểm thu hoạch như hiện tại là chậm hơn. Trong đó, khá nhiều diện tích ở vùng thấp trũng như Phong An, Phong Hiền... vẫn chưa thu hoạch xong. Nguyên nhân chậm thu hoạch chủ yếu là do đầu ra, nhà máy thu mua chậm nên sắn còn để ở đồng.
Sẽ thu mua, nhưng cần thời gian
Nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thúc đẩy quá trình thu mua sắn kịp thời, sắn có nguy cơ hư hỏng nhiều hơn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Qua ghi nhận, do không thể chờ đợi, nhiều người dân đã vận chuyển ra Quảng Trị để bán.
Ở một tình tiết khác, người trồng sắn tỏ ra bức xúc, trước đây khi bán sắn bị bệnh khảm lá, Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế đã có cam kết sẽ thu mua, bao tiêu toàn bộ sắn ở những diện tích sắn giống của nhà máy cho người dân. Với số lượng thu mua như hiện tại, chẳng khác gì đang lừa người dân thêm một lần nữa.
Ông Cao Hoàng Nguyên, Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy khẳng định, nhà máy cam kết sẽ thu mua toàn bộ cho người dân. Công suất tối đa của nhà máy thu mua 400 tấn/ngày, nhưng hiện đúng là không thể thu mua số lượng nhiều. Lý do chậm thu mua và thu mua số lượng hạn chế là do các dây chuyền hoạt động của nhà máy không ổn định. Công ty mới mua lại nhà máy, dù đã có nâng cấp nhưng vẫn vị trục trặc kỹ thuật.
“Người dân thông cảm cho nhà máy, vì đây là sự cố ngoài mong muốn. Nếu thu hoạch cùng một lúc, bị ứ đọng là khó tránh khỏi. Người dân nên ưu tiên thu hoạch ở những diện tích thấp trũng trước, còn những diện tích ở vùng cao thu hoạch sau. Như thế, có thời gian để nhà máy thu mua”, ông Nguyên đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết, huyện đã làm việc với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế và yêu cầu nhà máy gấp rút sửa chữa dây chuyền, đẩy nhanh tiến độ thu mua; phối hợp để có kế hoạch thu mua hợp lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương theo dõi để có kế hoạch thu hoạch, ưu tiên các vùng bị thấp trũng thu hoạch trước, các diện tích cao hơn sẽ phân bổ thời gian thu hoạch phù hợp.
Theo bảng niêm yết giá mua sắn tại Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế, giá thấp nhất 1.800 đồng/kg (dưới 22% độ bột). Các loại sắn có độ bột cao sẽ được thu mua với giá tương đương. Theo người dân, giá sắn thu mua như hiện tại là cao hơn so với mọi năm.