|
  • :
  • :

Vùng rau ứng phó với dịch bệnh

Định hướng nông dân tái cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình dịch bệnh theo hướng giảm diện tích trồng hoa, tăng diện tích trồng rau, củ, quả; đó là hướng đi của huyện Đơn Dương nhằm đưa vùng rau đi qua thời điểm khó khăn kéo dài do dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Bà con nông dân Đơn Dương thu hoạch nông sản
Bà con nông dân Đơn Dương thu hoạch nông sản
 
Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết: “Huyện Đơn Dương là địa bàn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát, tuy vậy với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt của bà con nông dân nên tình hình sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát”.
 
Cụ thể, lúa vụ Đông - Xuân sản lượng đạt 3.100 tấn, diện tích lúa Hè - Thu gieo sạ được 1.700 ha, đạt 91% kế hoạch năm. Một phần diện tích bà con chuyển sang trồng củ năng và rau thương phẩm. Riêng diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn toàn huyện Đơn Dương đạt trên 21 ngàn ha, chiếm 78% kế hoạch năm, sản lượng khoảng trên 700 tấn. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất mua bán nói chung trên cả nước bị xáo trộn, nhất là ở TP Hồ Chí Minh - thị trường lớn nhất của vùng rau Đơn Dương. Bởi vậy, mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực, song tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền - người dân thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm, cho biết: “Dịch bệnh đã làm 6 sào rau và hoa hướng dương của gia đình không bán được với giá như mọi năm, gây thiệt hại khoảng 50 triệu đồng”. 
 
Khu vực thị trấn Thạnh Mỹ, địa bàn có những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong thời gian đó, mỗi hộ có diện tích canh tác tại thị trấn được bố trí 1 lao động tham gia sản xuất, nên việc duy trì sản xuất mặc dù khó khăn hơn song vẫn cơ bản ổn định. Việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản của bà con mặc dù gặp nhiều khó khăn, giá nông sản xuống thấp, song nhìn chung đến nay không còn nông sản tồn đọng. “Ngoài nỗ lực duy trì các kênh tiêu thụ của bà con, việc thực hiện chính sách của UBND tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ 5.000 tấn nông sản cho TP Hồ Chí Minh, địa phương đã linh động trong việc thu mua, góp phần tiêu thụ nông sản của bà con trên địa bàn. Tính đến ngày 4/9/2021, huyện Đơn Dương đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trên 797 tấn nông sản”, bà Nai Khoan nói thêm.
 
Trước tình hình dịch bệnh, ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương tiếp tục theo dõi để kịp thời có những thay đổi phù hợp với mục tiêu vừa chống dịch vừa sản xuất trong ba tháng cuối năm, đặc biệt là trước vụ tết - vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Huyện Đơn Dương cũng đã xây dựng kịch bản phát triển ngành nông nghiệp trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, nếu trường hợp dịch COVID-19 lần thứ 4 được khống chế cuối quý III/2021, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành sản xuất theo kế hoạch. Diện tích rau thương phẩm gieo trồng đến cuối năm đạt trên 9 ngàn ha với các loại rau chủ lực như: bắp cải, cà chua, đậu leo, xà lách, hành các loại, ớt các loại, bí đỏ, bí xanh, khoai tây… Sản lượng dự kiến đạt 332 ngàn tấn. Phấn đấu trồng 360 ha khoai lang, sản lượng ước đạt trên 8.900 tấn. Địa phương này cũng chuẩn bị các phương án để có thể sản xuất 50 ha hoa chủ yếu các loại hoa cắt cành như cúc, cát tường, cẩm chướng, lay ơn, lyly… 
 
Bên cạnh đó, huyện Đơn Dương cũng lên các phương án nhằm tiếp tục duy trì và phát triển ngành chăn nuôi, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, chú trọng xây dựng nông thôn mới. 
 
Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Từ ngày 12/9, UBND tỉnh đã có quyết định ngưng áp dụng Chỉ thị 16 đối với thị trấn Thạnh Mỹ. Địa phương này vẫn đang tiến hành sản xuất với phương án nêu trên. Tuy nhiên, để chủ động, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, huyện Đơn Dương cũng đã có kịch bản sản xuất cụ thể. Theo đó, diện tích rau thương phẩm sẽ chuyển dần từ các loại rau ăn lá có thời gian bảo quản ngắn như xà lách, cải các loại… sang sản xuất các loại rau, củ có thời gian bảo quản lâu, thuận lợi cho việc vận chuyển như: Bắp cải, cà chua, đậu leo, ớt các loại, bí các loại, đậu leo, cà rốt, khoai tây… Đồng thời, giảm diện tích trồng mới các loại hoa, chuyển sang trồng các loại rau thương phẩm.
 
Các phương án sản xuất nêu trên đã được huyện Đơn Dương phổ biến cụ thể xuống các xã. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên đến thời điểm hiện tại, người dân trên địa bàn đã cơ bản nắm rõ kế hoạch sản xuất để chủ động trên các diện tích gieo trồng của gia đình mình.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/vung-rau-ung-pho-voi-dich-benh-3080333/