|
  • :
  • :

Xoài ngọt trên đất cằn

Trên mảnh đất cà phê bạc màu, một nông hộ đã thành công với vườn xoài sai trái. Đất cằn nuôi dưỡng xoài ngọt, mang lại những vụ quả chín và thu nhập cho người nông dân. Ấy là thay đổi của gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Sương, thôn Thống Nhất, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà.

Chị Sương kiểm tra độ lớn của trái xoài
Chị Sương kiểm tra độ lớn của trái xoài
 
Vừa dẫn khách đi thăm vườn, chị Sương vừa chia sẻ, mảnh đất 4 sào vốn xưa là đất sình, gia đình đổ đất vào xuống giống cà phê. Đất mượn, toàn sỏi đá, ít màu, cằn cỗi nên cà phê năng suất thấp lắm. Chị kể, 4 sào chăm cả năm mà cuối năm có khi thu được hơn 1 tấn nhân, thu nhập quá thấp so với công sức, chi phí đầu tư bỏ ra. Quyết tâm thay đổi, gia đình tìm hiểu các loại cây có thể thích ứng với mảnh đất cằn như vườn nhà.
 
Vốn người ở vựa cây trái miền Tây, vợ chồng chị Sương ngẫm nghĩ, tìm hiểu rồi xuống giống cây xoài, loại cây truyền thống của vùng Nam Bộ và ngay cả đất Đan Phượng cũng nhiều nhà trồng như cây trồng chơi, lấy trái cho trẻ con ăn. Nhưng nhà chị Sương trồng xoài với cách trồng hàng hóa, trồng xoài cung cấp cho thị trường. Vậy là năm 2016, anh chị nhập giống từ miền Tây lên 500 cây xoài giống Đài Loan, bắt đầu một loại cây mới trên mảnh vườn cằn. Và cây xoài đã cho trái ngọt trên mảnh đất mới.
 
Chị Sương chia sẻ, xoài giống Đài Loan có đặc thù là trái rất to, khi trưởng thành có thể đạt từ 1 - 1,5 kg/ trái. Vị trái giòn, ngọt, ít xơ, thích hợp cho ăn tươi, khi chín có thể sử dụng làm xoài sấy, xoài đóng hộp. Khi trái xoài còn xanh thường sử dụng trong các món ăn như trộn gỏi. Là cây lấy giống ghép chuẩn nên cây xoài cho trái rất sớm, trồng 2 năm đã bắt đầu kết hoa đậu quả. Tuy nhiên, vì trái xoài rất to, sợ cây non mất sức nên chị ngắt hết hoa, đợi tới năm thứ 3 mới để cây xoài ra trái ở mức ít. Những năm đầu, do cây còn nhỏ nên sản lượng còn thấp, càng về sau sản lượng càng cao. Năm 2020, vườn xoài thu được 3 tấn trái, năm 2021 gặp sương muối nên năng suất không tăng, anh chị cũng thu được xấp xỉ 3 tấn trái. Với giá bán trong đợt dịch COVID-19 đổ đồng 7 ngàn/kg, thu nhập năm nay từ vườn xoài giảm nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, vào những năm bình thường, giá xoài lên mức 12 - 15 ngàn/kg chính vụ và có thể cao hơn vào cuối vụ. Xoài chính vụ rộ vào tháng 7 hàng năm, sau đó có thể thu hoạch rải rác thêm 2 - 3 tháng.
 
Chị Nguyễn Thị Kiều Sương đánh giá, dù thu nhập không quá cao nhưng cây xoài Đài Loan lại có lợi thế dễ trồng, dễ chăm sóc, sống được trên mọi loại đất, kể cả đất cằn trồng những cây khác năng suất thấp. Cây không đòi hỏi nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay công chăm sóc, chỉ mất công bọc trái, bảo vệ trái khỏi sâu chích hút gây teo, rụng hay vẹo trái, giảm giá trị. Chị Sương chia sẻ: “Cây xoài ra quả non vào tháng 4 hàng năm, khi trái vừa bằng ngón tay là gia đình phải dùng túi chuyên dụng bọc trái. Đây là loại túi giấy 2 mặt, ngoài màu vàng, trong màu đen, được nông dân bọc trái vừa bảo vệ khỏi côn trùng, vừa tạo màu đẹp cho trái xoài. Thi thoảng, khi cỏ trong vườn xoài mọc cao thì gia đình dùng máy phạt cỏ, để lại một lớp cỏ thấp để giữ ẩm cho đất”. Người nông dân tiết kiệm chi phí, chị Sương cho biết túi bọc xoài được gia đình “quay vòng”, sử dụng 2 - 3 vụ xoài cho tới khi túi hỏng. 
 
Anh Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà nhận xét, vườn xoài của gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Sương là một mô hình thành công. Trước đây là vườn cà phê, dù được chăm bón nhưng năng suất thấp vì đất quá cằn. Gia đình chị Sương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài Đài Loan, là một trong những nông hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Hiện Đan Phượng có nhiều nông hộ chuyển cà phê năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn trái, cây rau màu cho thu nhập cao và đây là tín hiệu đáng mừng của địa phương. Và anh Thông cũng cho biết, Hội đã tính toán tới việc thành lập tổ hợp tác nghề nghiệp, khi trái cây đạt sản lượng nhiều sẽ mua máy sấy, chủ động trong việc chế biến sau thu hoạch, nâng cao giá trị trái cây Đan Phượng. 
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/xoai-ngot-tren-dat-can-3071182/