Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan nhận định: HTX nông nghiệp có vai trò liên kết sản xuất, kết nối nông dân với các doanh nghiệp và là nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần hình thành các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của các địa phương; đồng thời, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, các địa phương cần chăm lo đến sự phát triển HTX và coi HTX là một thành phần của kinh tế nông thôn, từ đó thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất, tạo sức mạnh cho ngành Nông nghiệp.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX cả nước đã có những chuyển biến cả về lượng và chất, đóng góp bình quân 4,8%/năm vào GDP cả nước, khẳng định được tiềm năng và triển vọng phát triển. Ước tính đến cuối năm 2021, cả nước có 79 liên hiệp HTX và 18.327 HTX nông nghiệp, tăng 12.569 HTX so với năm 2013. Trong đó, đã có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu thành viên, thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/người/năm. Phần lớn các HTX nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đều phát triển đúng hướng, đảm bảo cung ứng từ 7-16 dịch vụ cho thành viên, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ các HTX nông nghiệp đạt loại khá, tốt từ 10% năm 2013 lên 60% năm 2020; doanh thu bình quân của một HTX đạt 2,44 tỉ đồng/năm...
Hướng tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025; thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp; đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các HTX vùng ĐBSCL; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo về công tác quản trị, quản lý cho các HTX nông nghiệp; hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; chú trọng phát triển hạ tầng logistics, nhất là xây dựng kho bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm;… Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
MỸ HOA