Giá tăng cao kỷ lục
Phân bón được một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai mua về để chuẩn bị phục vụ cho nông dân sản xuất lúa đông xuân 2021-2022.
So với hồi tháng 9-2021, giá nhiều loại phân bón hiện tăng thêm 50.000-140.000 đồng/bao 50kg và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá tăng mạnh nhất là các loại DAP và phân bón Urê (phân Đạm), kế đến là nhiều loại Kali và NPK. Riêng giá các loại phân lân ít biến động tăng. Nếu so với hồi đầu năm 2021 và cùng kỳ năm trước, hiện giá nhiều loại DAP đã tăng tổng cộng khoảng 500.000-520.000 đồng/bao và đang ở mức cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ. Còn giá nhiều loại Urê cũng đã tăng từ 450.000-480.000 đồng/bao và đang ở mức cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều loại phân bón kali và NPK đã tăng ít nhất 230.000-240.000 đồng/bao so với hồi đầu năm và cũng đang ở mức cao chưa từng thấy.
Ngày 15-10, tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… giá phân bón DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) và DAP Hàn Quốc đã ở mức 1.100.000-1.200.000 đồng/bao. Giá Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ở mức 800.000-830.000 đồng/bao. Còn một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc đang có giá 790.000-800.000 đồng/bao. Giá Kali (Canada, Israel, Nga) ở mức 790.000-800.000 đồng/bao. Giá NPK 16-16-8 Việt Nhật ở mức 700.000-720.000 đồng/bao. NPK 20-20-15 Ba Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Đầu Trâu ở mức từ 860.000-900.000 đồng/bao… Thời gian qua, giá phân bón thế giới liên tục tăng và giá các loại nguyên liệu nhập khẩu, cùng nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước như điện, xăng dầu, tiền thuê nhân công… cũng tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá bán các loại phân bón trong nước. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó cho việc xuất nhập khẩu và vận chuyển phân bón từ địa phương này sang địa phương khác, phát sinh thêm chi phí, góp phần khiến giá bán phân bón bị đội lên thêm.
Tuy nhiên, việc giá phân bón liên tục “leo thang” đạt mức giá cao ngất ngưỡng như hiện nay là ngoài sức tưởng tượng của cả nông dân và nhiều người kinh doanh phân bón. Ông Đỗ Văn Tùng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lan tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chưa năm nào giá phân bón tăng cao liên tục như năm nay. Điều đáng nói là giá không chỉ tăng rất sốc ở các loại DAP hay Kali nhập khẩu, mà nhiều loại phân bón sản xuất trong nước giá cũng tăng cao, nhất là phân Đạm với sản lượng dư thừa so với nhu cầu nội địa và có phục vụ xuất khẩu.
Với diễn biến giá cả thị trường phân bón như hiện nay, nông dân đang ở vào thế rất bất lợi do chi phí sản xuất tăng cao, nguy cơ bị thua lỗ nặng nếu tới đây giá cả đầu ra sản phẩm bị giảm thấp. Nếu nông dân bị thua lỗ nặng, các cửa hàng vật tư nông nghiệp cho nông dân mua vật tư phân bón thiếu nợ tiền cũng sẽ khó thu hồi nợ”. Còn các cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng có khó khăn trong kinh doanh. Theo anh Phạm Dĩ Khang, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Dĩ Khang ở TP Cần Thơ, các cửa hàng bán lẻ phân bón gặp khó về vốn khi giá phân bón tăng quá cao, nguy cơ bị lỗ vốn nếu sau khi nhập phân bón về giá bất ngờ giảm trở lại. Tuy nhiên, nếu không mua hàng vào thời điểm này sẽ có nguy cơ đứt nguồn hàng bán ra cho vụ mùa tới nếu giá phân bón tiếp tục tăng thêm.
Nông dân lo vụ lúa tới đây khó kiếm lời
Ông Cao Thanh Điền, ngụ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi cũng đã dọ giá phân bón nên rất lo vụ lúa tới đây sản xuất khó kiếm lời. Năm trước, 1 bao phân lạnh (Urê) giá chỉ 320.000-350.000 đồng/bao, còn giờ đã tăng lên hơn 800.000 đồng/bao, còn DAP xanh Hồng Hà Trung Quốc có giá tới hơn 1.100.000 đồng/bao. Giá tăng cao tới mức này là quá sức chịu đựng của nông dân trồng lúa vốn có thu nhập khá thấp. Cụ thể, trong vụ thu đông vừa rồi, nhiều nông dân tại địa phương chỉ đạt được mức lời 800.000-1.500.000 đồng/công lúa sau 3 tháng gieo trồng”. Theo ông Điền, vụ đông xuân 2021-2022, 4 công lúa của ông dự kiến giao sạ giống lúa Đài Thơm 8, hiện ông đã mua lúa giống và tiến hành vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng gieo sạ lúa vào tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, ông vẫn chưa mua phân bón vì không có sẵn tiền, dự tính khi sạ lúa mới mua thiếu của cửa hàng, đến cuối vụ thanh toán và phải chấp nhận chịu khoảng giá chênh lệch tăng thêm, thường khoảng 20.000-30.000 đồng/bao phân bón. Do vậy, ông rất mong giá phân bón sớm giảm trở lại.
Vụ đông xuân 2021-2022, ông Võ Văn Rô cùng nhiều hộ dân khác ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng lớn và được doanh nghiệp cung cấp lúa giống Đài Thơm 8 để sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, ông Rô lo lắng khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí đầu vào như xăng dầu, giá thuê nhân công… đều tăng mạnh. Ông Rô cho biết:”Giá bán lúa được nông dân và doanh nghiệp căn cứ theo thị trường để “chốt giá” vào thời điểm gần thu hoạch lúa nên khó đoán được giá lúa cho vụ tới. Trong khi giá nhiều loại phân bón đã tăng gấp đôi và giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-12%, giá thành sản xuất lúa tới đây sẽ tăng cao. Bởi hiện nay lũ nhỏ, đồng ruộng ít được bồi bổ phù sa nhiều nên nông dân không dám giảm mạnh lượng phân bón sử dụng vì sợ ảnh hưởng năng suất. Nông dân rất mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp kéo giảm giá các loại vật tư nông nghiệp và ổn định giá lúa đầu ra. Vụ đông xuân năm trước nhờ chi phí thấp, lúa trúng mùa và bán giá cao kỷ lục 6.500 đồng/kg nên nông dân đạt mức lời trên 4 triệu đồng/công, còn vụ lúa tới đây chắc sẽ rất khó khăn”.
Thời điểm này, sức mua phân bón còn chậm do lúa thu đông 2021 tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã bước vào thu hoạch, còn lúa đông xuân chưa xuống giống nên nông dân không có nhu cầu mua phân bón nhiều. Tuy nhiên, sức mua phân bón dự kiến sẽ sớm tăng mạnh trong những tuần tới. Do vậy, ngoài việc kéo giảm giá phân bón, ngành chức năng cần quan tâm công tác kiểm tra, quản lý thị trường và hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường chuẩn bị nguồn hàng với chất lượng đảm bảo và có giá cả hợp lý để phục vụ người dân. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa và tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón thiếu nợ tiền không tính lãi suất, như một số doanh nghiệp đã thực hiện trong các mô hình “cánh đồng lớn”. Hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và chủ động phòng tránh sâu bệnh… để giảm chi phí, tiết kiệm tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG