Doanh nghiệp gặp nhiều thách thức
Chia sẻ thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Đỗ Trần Hoàn - thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, dự báo, năm 2023 sản lượng và mức tiêu thụ gạo của thế giới không biến động nhiều, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc gỡ bỏ lệnh giãn cách Covid-19.
Tuy nhiên, điều lo ngại là thị trường Philippines sẽ tồn kho lớn, nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ thấp đi khi năm 2022 nước này nhập khẩu gạo tăng 30% so với năm 2021.
Tháng 1/2023 XK gạo của Việt Nam đạt 300.000 tấn (số liệu của Hải quan). Dự kiến, cả năm 2023 XK gạo trên 6 triệu tấn, thấp hơn 2022. Hết 2022, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp đã giảm đi rất nhiều.
Nông sản Việt chưa tiếp cận được thị trường cao cấp
Hiện, phần lớn sản phẩm XK của Việt Nam vào Trung Quốc là sản phẩm tươi, sống, XK qua tiểu ngạch (trái cây, thủy sản), chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc; các doanh nghiệp còn bị lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách, quy định mới trong nhập khẩu; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao; chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sẽ là thách thức với XK nông sản của Việt Nam.
Ông Hoàn cho rằng, dự báo thông tin về mùa vụ, tình hình xuống giống, sản lượng rất quan trọng. Mỗi thị trường đều có những yêu cầu về chủng loại gạo khác nhau, chính bởi vậy nắm bắt được thông tin trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động có phương án kinh doanh, ký kết các hợp đồng XK.
Năm 2023, XK gạo của Việt Nam sôi động nhất là vụ đông xuân. Hiện các doanh nghiệp XK gạo đang chuẩn bị kho, phương tiện, thiết bị chế biến, nguồn vốn để tổ chức thu mua vụ đông xuân.
Tuy nhiên, theo ông Hoàn, vụ đông xuân năm nay thu hoạch chậm so với mọi năm, cùng với đó, vay vốn ngân hàng hiện nay tương đối khó khăn, lãi suất cao cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.
Cũng đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường XK, đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, niên vụ cà phê 2022-2023, sản lượng dự kiến đạt 1,7 - 1,8 triệu tấn. Giá cả thị trường nội địa khá ổn định, từ 4.300 - 4.500 đồng/kg cà phê.
Tuy nhiên, trong thời gian tới dự luật của EU đối với chống phá rừng, áp với 6 loại mặt hàng, trong đó có cà phê và ca cao sẽ đặt ra nhiều thách thức. "Khi EU áp luật chống phá rừng đối với cà phê sẽ làm tăng tất cả chi phí cho các doanh nghiệp XK"- đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết.
Đối với XK sắn, theo đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam, thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc (93% năm 2021 và giảm 91% năm 2022). Sắn và các sản phẩm từ sắn có thể sử dụng vào nhiều ngành khác nhau như: Thực phẩm, hóa chất, dệt... Năm 2022, kim ngạch XK sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,4 tỷ USD.
"Nếu chúng ta say sưa trong chiến thắng, nhìn những con số báo cáo màu hồng thì hãy coi chừng phải gánh lấy hậu quả".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Tuy nhiên, ngành sắn đang gặp rào cản lớn nhất là việc hoàn thuế giá trị gia tăng (là mặt hàng XK đến 80%).
"Vừa rồi, Hiệp hội đã có báo cáo cụ thể với Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ nhưng đến nay vẫn ách tắc. Nguyên nhân là việc xác minh nguồn hàng nước ngoài. Suốt từ năm 2021, Hiệp hội đã có kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giúp ngành sắn tháo gỡ khó khăn"-đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam nói.
Mỹ, Trung là thị trường xuất khẩu chính
Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, năm 2023, bên cạnh tiềm năng thì XK nông sản của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Hiện, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng 2022 đạt 12,25 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng XK chính bao gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 64,5%, thủy sản chiến 16,5%, hạt điều chiếm 6,2%, cà phê chiếm 2,1%, rau quả 1,9%.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Mỹ sẽ tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, hạt tiêu dự báo tăng trưởng bình quân từ 1 - 2% trong 5 năm tới; cà phê nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, XK nông sản của Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp khó khăn khi thị hiếu của thị trường này ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi sản phẩm XK của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng không cao; số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Mỹ còn khiêm tốn, hiện nay mới cấp phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam. Trung Quốc, là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: Cao su chiếm 21,7%, gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 20,9%, rau quả chiếm 14,6%, sắn và sản phẩm sắn chiếm 12%, thủy sản chiếm 15,7%, hạt điều chiếm 4,3%, gạo chiếm 4,3%.
Theo dự báo nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp chính sẽ được đảm bảo giai đoạn 2022-2031, tiêu thụ tăng tốc, thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động. Trong đó, tiêu thụ ngũ cốc giảm, tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên. Tiêu dùng trái cây và thịt dự báo sẽ tăng cao trong năm 2023.
Ngoài ra, theo nhận định, XK nông sản của Việt Nam sang các thị trường như: EU, Đông Bắc Á, ASEAN, Trung Đông... cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn, thách thức vẫn rất lớn, cung cầu có dấu hiệu sụt giảm ở một số lĩnh vực. Năm 2023, giá vật tư, nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, khi các nước mở cửa sau Covid-19 sẽ có những rào cản mới. Đặc biệt, Trung Quốc mới mở tuyến đường sắt nối trực tiếp đến các nước Thái Lan, Lào sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên XK nông sản của Việt Nam.