Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt so với đối thủ trực tiếp là Thái Lan với 5,3 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng 8 đạt 582 USD/tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,9 triệu tấn gạo, tương đương 3,2 tỷ USD, tăng 23% về lượng và 37% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 542 USD/tấn tăng 12% so với cùng kỳ, có thời điểm giá lên tới gần 650 USD/tấn, vượt so với gạo của Thái Lan.
So sánh với đối thủ của Việt Nam là Thái Lan, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt so với quốc gia này. Reuters dẫn số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của nước này tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,3 triệu tấn.
Trước thời điểm làn sóng hạn chế nguồn cung nổi lên, Thái Lan đứng thứ hai thế giới về thị phần trên thế giới với 15,3%, sau Ấn Độ (40%). Việt Nam đứng thứ ba 13,5%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Những thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Thái Lan bao gồm Indonesia, Iraq, Nam Phi và Mỹ.
Giá gạo thế giới tăng mạnh sau khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ban hành một loạt lệnh hạn chế nguồn cung trong thời gian qua. Ước tính, nguồn cung gạo toàn cầu bị cắt giảm khoảng 10 triệu tấn từ động thái này của Ấn Độ.
Thái Lan, kỳ vọng sẽ xuất khẩu được 8 triệu tấn trong năm nay.
Quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới là Myanmar cũng lên kế hoạch giảm xuất khẩu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Ronarong Poolphiphat cho biết Philippines mong muốn có một thỏa thuận nhập khẩu gạo với Thái Lan. Đồng thời, ông nói thêm chi tiết thỏa thuận này sẽ rõ ràng vào cuối tháng tới.
“Nếu giá cả tốt, nông dân sẽ trồng nhiều lúa hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Ronarong cũng cảnh báo rằng điều kiện thời tiết khô hạn gây ra bởi El Nino có thể ảnh hưởng đến sản lượng trong năm tới.
Với Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vẫn chưa công bố con số ước tính của tháng 8 mà mới chỉ công bố số liệu kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 7 đạt 980 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Ấn Độ, riêng trong 6 tháng đầu năm, nước này xuất khẩu khẩu được 11,2 triệu tấn, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới, thậm chí còn cách xa rất nhiều so với Ấn Độ.
'Cửa sáng' cho ngành gạo Việt Nam trong quý III
Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan trong thời gian tới. Nguồn cung không tăng trong khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Hiện tượng El Nino gây ra thời tiết khô hạn tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, diện tích trồng cây lương thực giảm, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý III sẽ tiếp tục tăng so với các quý trước và cùng kỳ các năm trước dựa trên cơ sở Ấn Độ liên tục đưa ra các lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo và cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định được thời điểm khi nào quốc gia này sẽ cho phép xuất khẩu trở lại.
Bên cạnh đó, việc Nga đã rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Lương thực Biển Đen (thỏa thuận cho phép xuất khẩu lương thực và phân bón từ ba cảng biển của Ukraine ở Biển Đen) dẫn đến nỗi lo ngại sụt giảm nguồn cung lương thực trên toàn cầu.
Theo chuyên gia nông nghiệp GS. TS Võ Tòng Xuân nhu cầu tại một số thị trường chính của Việt Nam như Philippines và Indonesia, hay các quốc gia châu Phi vẫn còn rất lớn trong khi đó nguồn cung cho xuất khẩu 5 tháng cuối năm của Việt Nam chỉ còn khoảng 2,6-2,7 triệu tấn.
“Cung thấp, cầu cao thì giá sẽ lên, đặc biệt trong bối cảnh El Nino sẽ tác động mạnh vào cuối năm 2023 và mùa xuân năm tới. Giá gạo xuất khẩu của nước ta có thể lên đến 1.000 USD/tấn (mức giá kỷ lục năm 2008)”, GS. TS Võ Tòng Xuân nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra ngần ngại trong việc ký hợp đồng mới, chủ yếu trả các đơn hàng cho các đối tác truyền thống vì lo ngại giá lúa nguyên liệu cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thóc, gạo nội địa trong tháng 8 có xu hướng tăng 200 - 800 đồng/kg trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động sau khi một số nước như Ấn Độ, Myanmar áp đặt một số lệnh hạn chế nguồn cung.
Trước tình hình giá gạo liên tục tăng, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi mới đây yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.