Công nhân Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu thu hái chè bằng máy ở vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Ảnh: TTXVN phát
Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, để khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, thời gian qua, người làm chè ở huyện Mộc Châu đã không chỉ tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm mà còn đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp những sản phẩm chè an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn tới tay người tiêu dùng.
Gia đình ông Vũ Tiến Đương ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu có 1,6 ha chè được nhận khoán với Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu từ năm 1997. Mấy năm trở lại đây, việc trồng, chăm sóc, thu hái chè của gia đình ông đỡ vất vả hơn rất nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông Vũ Tiến Đương chia sẻ, các khâu từ trồng, chăm sóc, cắt tỉa đến thu hái chè đều dùng bằng máy móc. Khi chè đến thời gian thu hái, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đến tận nơi mua cho người dân nên chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận kinh tế mang lại cao hơn.
Để cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng chè sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại mang lại giá trị cao, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng cũng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.
Các hộ làm chè đều ký hợp đồng và tham gia chuỗi liên kết sản xuất chè với Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu. Hiện 100% diện tích chè được sử dụng máy làm đất và toàn bộ diện tích vùng trồng chè áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Đồng thời, chè được thu hái bằng máy.
Với việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu có hơn 329 ha chè được UBND tỉnh Sơn La công nhận là vùng chè ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của địa phương. Đây là cơ hội rất lớn để Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè và đa dạng các mặt hàng chè, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng trong nước cũng như xuất khẩu.
Để trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là đối với cây chè, huyện Mộc Châu đang triển khai đồng bộ các giải pháp, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Long Trung Tâm thông tin, huyện đã xây dựng chương trình hành động về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có phát triển ngành chè Mộc Châu. Cùng với đó, hiện nay, huyện đang xây dựng vùng chè ứng dụng công nghệ cao và đã được tỉnh Sơn La công nhận đối với Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu.
Thời gian tới, huyện Mộc Châu tiếp tục phát triển vùng chè nguyên liệu với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm để dần thay thế các vùng chè truyền thống bằng vùng chè chất lượng cao nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.
Ngoài vùng chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu đã được tỉnh Sơn La công nhận, các công ty, đơn vị chè ở Mộc Châu đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè.
Hình thành và nhân rộng vùng chè ứng dụng công nghệ cao là điều kiện để người làm chè tiếp tục nâng cao hơn nữa thương hiệu chè Mộc Châu, đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Nguyễn Cường - Đức Cường