Mới đây, Cục Thú y đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo tập huấn với chủ đề "Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB để xuất khẩu".
Tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh
Trước đó, ngày 11/5/2023, Cục Thú y và Sở NNPTNT 7 tỉnh, thành phố phía Nam đã phối hợp Công ty TNHH De Heus ký kết thoả thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB, an toàn thực thẩm để xuất khẩu từ giai đoạn 2023 - 2028.
Sau 2 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay, tỉnh Tây Ninh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận ATDB (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Trong đó có 1 huyện là Dương Minh Châu được chứng nhận vùng ATDB cấp huyện, 6 vùng ATDB cấp xã (huyện Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm...
Triển khai theo các hoạt động trong thoả thuận nói trên, hội thảo tập huấn diễn ra trong 2 ngày tại Tây Ninh có các nội dung quan trọng về quy định của quốc tế, quy định của Việt Nam về vùng, cơ sở ATDB; yêu cầu về hồ sơ xây dựng vùng, cơ sở ATDB theo các tiêu chí của Tổ chức Thú y thế giới WOAH/OIE; các biện pháp kỹ thuật cần thực hiện: Bộ tiêu chí đánh giá vùng, cơ sở ATDB…
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Giai đoạn 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%/năm. Có được kết quả này là nhờ chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cả nước, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị trên 400 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng còn nhiều nhiệm vụ phải đặc biệt lưu tâm, trong đó phải tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là ở những vùng đã công nhận ATDB.
Theo ông Long, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải nâng cấp vùng ATDB lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đồng thời, các doanh nghiệp, các địa phương cần phải đẩy mạnh các xây dựng các chuỗi; nhất là phát triển sản phẩm chế biến sâu để nâng cao cái giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm.
Những giải pháp xây dựng vùng ATDB
Để xây dựng thành công vùng ATDB đối với gia cầm ở Đông Nam bộ giai đoạn 2023 , Cục Thú y đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trước hết, các địa phương phải xác định vùng và cơ sở ATDB động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và hướng tới yêu cầu của OIE, trên cơ sở đó, xác định rõ các vùng cần xây dựng đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và OIE.
Đẩy mạnh thông tin, phổ biến kiến thức về ATDB, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh động vật, với mục tiêu để những vùng, cơ sở ATDB nắm vững các quy định của OIE.
Hướng dẫn chăn nuôi ATDB, tập huấn, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi ATDB. Chủ động tổ chức lấy mẫu, giám sát, xét nghiệm chứng minh không có các loại mầm bệnh lưu hành, chứng minh hiệu quả vaccine phòng bệnh, chứng minh đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng ATDB, bảo đảm yêu cầu truy xuất thông tin, kết quả giám sát chứng minh vùng ATDB…
Theo Cục Thú y, để thực hiện thành công lộ trình xây dựng vùng ATDB đối với gia cầm, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương, thì vai trò của các doanh nghiệp chăn nuôi cũng rất quan trọng. Do đó, khi đưa ra lộ trình xây dựng vùng ATDB, Cục Thú y cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi (gọi chung là doanh nghiệp chăn nuôi) đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi ATDB tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi ATDB. Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp duy trì, xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB để xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch/đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi ATDB. Doanh nghiệp tuyển chọn, bố trí nguồn nhân lực đã được đào tạo, tập huấn và nắm rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm... Cùng với đó, doanh nghiệp cần thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác kỹ thuật của đơn vị nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung của kế hoạch/đề án. Tham gia tổ chức thực hiện phòng, chống và giám sát dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi an toàn dịch bệnh.