Hộ chăn nuôi bò thịt Nguyễn Trung Tuyến ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chủ động nguồn thức ăn cỏ tươi, tăng cường dinh dưỡng cho đàn bò của gia đình. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chăn nuôi trong nước đã có những liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đến người tiêu dùng),... Chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn và bò sữa đã có nhiều chuỗi liên kết khép kín, chuỗi này do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến như Công ty CP Việt Nam, Jappfa, De Heus, GreenFeed, Vinamilk, TH Truemilk…
Tuy nhiên, chăn nuôi bò thịt chủ yếu vẫn còn trong nông hộ, chưa có hoặc bước đầu hình thành liên kết sản xuất.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao, chiếm 60%. Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Người chăn nuôi bước đầu mới chỉ chú trọng tăng năng suất. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của Thủ đô.
Dù vậy, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho hay, trong những năm vừa qua, mặc dù sản xuất thịt bò còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với thịt lợn và thịt gà trong tổng sản lượng thịt sản xuất ở Việt Nam, nhưng đã có xu hướng ngày càng tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 và năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước đạt khoảng hơn 5 triệu tấn; trong đó, thịt bò hơi chiếm tỷ trọng gần 7%). Năm 2021, tổng sản lượng thịt đạt khoảng 6,2 triệu tấn; trong đó thịt bò hơi tăng lên, chiếm tỷ trọng 7,4%.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 là 7,3 kg/người/năm; trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% sản lượng thịt bò tiêu thụ, còn lại 60% nhập khẩu từ các nước khác. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình theo đầu người mặc dù cao hơn hầu hết các nước trong khu vực châu Á, nhưng thấp hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, hiện nguồn cung trong nước không đủ cầu khi 60% nhu cầu tiêu thụ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong chiến lược phát triển sản xuất và thị trường thịt bò 10 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt để đến năm 2030 đạt trên 10% thịt bò trong tổng sản lượng thịt các loại (hiện là 7,4%). Cùng đó, số lượng và giá trị thương mại thịt bò trên thế giới những năm tới tới có xu hướng tăng. Đây là cơ hội để chăn nuôi bò thịt trong nước mở rộng sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm Mô hình xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại hộ Nguyễn Quốc Tuấn ở thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch phát huy hiệu quả. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Cải thiện chuỗi cung ứng và tăng liên kết
Theo định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được đưa vào sơ chế, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt từ 50% vào năm 2030.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, Hà Nội áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt đặc biệt công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò thịt cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính… nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng.
Song để phát triển chăn nuôi bò thịt và tiêu thụ, cần xây dựng chuỗi liên kết; trong đó phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ thịt bò. Từ đó, tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt theo vùng chuyên canh tập trung, chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi.
Quan trọng hơn, phải xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ở đó, ứng dụng rộng rãi công nghệ số hóa trong quản lý hoạt động chăn nuôi. Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi bò thịt, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn, ông Sơn cho hay.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh mật độ chăn nuôi phù hợp với đặc thù chăn nuôi của thành phố; xây dựng và hướng dẫn cơ quan quản lý cấp tỉnh xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ như: Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, các tổ chức nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi; hỗ trợ, đầu tư và chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý chuyên môn đối với cán bộ thành phố và cơ sở.
Đánh giá về những khó khăn, theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường nhập khẩu đã mở toang, nguy cơ cạnh tranh với hàng nhập khẩu có chi phí sản xuất thấp hơn. Việt Nam cho phép nhập khẩu bò sống về để giết mổ trong nước với Australia, Brazil và Thái Lan; đồng thời có hiệp định thương mại tự do với các nước châu Âu... nên có mức thuế suất nhập khẩu sẽ giảm về 0%. Cùng đó, thị trường không minh bạch (thịt trâu bán giá thịt bò, không phân biệt được xuất xứ…); tình hình xuất nhập khẩu lậu qua biên giới trên bộ chưa được kiểm soát.
Do vậy, ông Phạm Văn Duy cho rằng, thời gian tới, cần cải thiện chuỗi cung ứng nhập khẩu, tập trung vào hiệu suất và năng lực quản lý của các trang trại vỗ béo tập trung nhằm tăng tính ổn định về giá cả, năng lực cung cấp và giảm thiểu chi phí, rủi do. Các cơ quan quản lý tiến tới hoàn thiện các chính sách về phát triển và quản lý thị trường nhằm khuyến khích chăn nuôi trong nước phát triển, hài hòa giữa chính sách nhập khẩu và chính sách phát triển chăn nuôi trong nước
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình, đào tạo, tập huấn và thông tin tuyên truyền về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đến khâu vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, gắn liên kết từ chăn nuôi đến thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy khả năng của từng đơn vị liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trong các giải pháp, đơn vị sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi trang trại, đồng bộ khép kín từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị mới, hiện đại; giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xử lý môi trường…
Đức Dũng