Nuôi cá khá giàu
Tuy có lợi thế về điều kiện tự nhiên và phát triển khá sớm, nhưng nghề nuôi cá ở vùng ven biển ĐBSCL những năm qua chưa thể phát triển mạnh như nghề nuôi tôm do giá trị, khả năng tiêu thụ và đặc biệt là lợi nhuận của con cá phần lớn đều kém xa so với con tôm. Đó cũng là lý do vì sao mỗi khi nhắc đến thủy sản vùng ven biển khu vực ĐBSCL, thường mọi người chỉ nói đến 2 thế mạnh chủ lực là khai thác biển và nuôi tôm nước lợ. Thế nhưng, khi con tôm bắt đầu khó nuôi, thị trường tôm gặp nhiều rào cản, điều kiện khai thác biển ngày càng khó khăn thì cơ hội trở lại của con cá cũng ngày càng lớn hơn. Điều đó đã và đang được minh chứng qua tính hiệu quả của một số loại cá có giá trị kinh tế cao được nuôi tại những vùng mặn, lợ, như cá dứa, cá chẽm, cá kèo, cá chốt, cá chình…
Có dịp tiếp xúc với những hộ nuôi cá chẽm năm nay mới thấy hết sự phấn khởi của họ khi mức lợi nhuận từ con cá chẽm mang lại không thua gì con tôm nước lợ. Một trong những người nuôi cá nước lợ thành công nhất ở khu vực ĐBSCL hiện nay là anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp ở ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng với diện tích nuôi thâm canh hơn 40ha, sản lượng hơn 2.000 tấn/năm với 2 đối tượng nuôi chủ lực là cá chẽm và cá đù (còn gọi là cá hồng mỹ). Ngoài sản lượng tự nuôi, anh Dũng còn liên kết đầu tư, bao tiêu với các hộ nuôi trong tỉnh với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. Với giá cá chẽm bình quân 80.000 đồng/kg như thời gian qua, theo anh Dũng, nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi có lãi 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha.
Cá chẽm được nuôi tại vùng lợ Sóc Trăng phát triển rất tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ có con cá chẽm mới mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi vùng mặn, lợ mà một số đối tượng nuôi mới khác là cá dứa, cá kèo cũng cho hiệu quả rất cao. Đơn cử như trường hợp của anh Đặng Thanh Điều ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, chỉ với 3.600m2 nuôi cá dứa đã có mức lợi nhuận 300 triệu đồng mỗi vụ nuôi. Còn những hộ nuôi cá kèo năm nay cũng có lợi nhuận 200-400 triệu đồng/ha. Gần đây nhất là con cá bông lau được nuôi tại huyện đảo Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng cũng cho thấy tính hiệu quả rất cao. Theo anh Nguyễn Văn Kiệt, ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, sau khoảng 8-9 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp cá đã vào cỡ 1,2kg/con, năng suất bình quân 15 tấn/ha và chỉ cần bán được giá 120.000-140.000 đồng/kg người nuôi có lời không thua gì tôm nước lợ.
Đánh thức tiềm năng nước lợ
Ngay cả đối tượng nuôi vốn dĩ tưởng chừng chỉ dành riêng cho vùng ngọt như con cá lóc, con lươn và thú vị nhất là con cá tra cũng được người dân các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đưa về nuôi ở vùng lợ rất thành công, cả về năng suất lẫn lợi nhuận. Theo các hộ nuôi cá lóc trong ao đất ở Trà Vinh và Sóc Trăng, nếu kiểm soát tốt nguồn nước ngay từ đầu, sau đó nâng độ mặn lên từ từ thì con cá lóc chẳng những vẫn sống khỏe trong môi trường nước lợ 4-5%o, mà chất lượng thịt còn săn chắc, thơm ngon. Hay như con cá tra, người viết từng chứng kiến ông Võ Thanh Vân, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nuôi trong môi trường nước lợ vào năm 2017 mà cá vẫn sống và phát triển bình thường. Ông Vân khẳng định: “Tôi bắt đầu nuôi cá tra nước lợ từ năm 2006 với độ mặn cao nhất lên đến 7-8%o theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp trong tỉnh và chưa bao giờ thất bại. Tính ra nuôi cá tra nước lợ này khỏe hơn nhiều vì nó ít khi bị dịch bệnh, nhưng phải nâng độ mặn lên từ từ. Khi nuôi ở độ mặn càng cao thì tốc độ tăng trọng của cá càng chậm so với nuôi thuần ngọt khoảng 1-2 tháng, nên giá bán thường cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Một điều quan trọng nữa là phải có hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vì cá nuôi nước lợ tuy thịt chắc và thơm ngon nhưng không trắng mà có màu hồng nhạt”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, với diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hiện trên 70.000ha; trong đó, chủ yếu là vùng mặn, lợ cho thấy tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản của Sóc Trăng là rất lớn. Ngoài một số đối tượng nuôi tiềm năng ở vùng mặn, lợ như tôm thẻ, tôm sú, cá chẽm, cá kèo, cá bông lau… thì việc phát triển thêm đối tượng nuôi là cá rô phi cũng được ngành quan tâm, bởi cá rô phi hiện có thị trường tiêu thụ lớn, nuôi có hiệu quả kinh tế lẫn hỗ trợ tốt cho nuôi tôm thông qua việc làm sạch môi trường và hạn chế dịch bệnh trên tôm. Còn theo Ths. Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cá rô phi là đối tượng thủy sản khá gần gũi, đóng góp tích cực cho sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh EMS trên tôm bùng phát trên diện rộng và có tiềm năng phát triển khá lớn ở vùng mặn lợ vì dễ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trước đây, khi còn là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã rất quan tâm đến tiềm năng phát triển nghề nuôi cá rô phi cho những vùng mặn, lợ. Đó là thời điểm những năm dịch bệnh EMS trên tôm bùng phát mạnh và con cá rô phi đã chứng minh được tính hiệu quả của nó trong lĩnh vực xử lý môi trường và hạn chế dịch bệnh. Một ý tưởng phát triển cá rô phi lúc bấy giờ đã được TS Trần Đình Luân đề xuất: “Cần tính đến cơ cấu một vụ nuôi tôm trong mùa nắng và một vụ nuôi cá rô phi trong mùa mưa. Nếu thực hiện tốt cơ cấu nuôi này, môi trường nuôi sẽ được cải thiện đáng kể, giúp hạn chế dịch bệnh và tăng khả năng thành công cho vụ tôm. Tuy nhiên, vấn đề là phải có con giống cá rô phi tốt và đặc biệt là phải có liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm”.
Vẫn còn không ít đối tượng thủy sản tiềm năng có thể đưa vào phát triển nuôi ở vùng mặn, lợ ĐBSCL, nhưng vấn đề là làm sao giải quyết được nút thắt con giống, thức ăn và đặc biệt là kết nối được cung - cầu nhằm đảm bảo khâu tiêu thụ được tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế tác động môi trường… để giúp người nuôi yên tâm sản xuất.