Nông dân Sơn La chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi
Là xã vùng cao của huyện Mường La (Sơn La) xã Ngọc Chiến có trên 13.280 con gia súc, khoảng 40.000 con gia cầm. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển, xã vận động nhân dân nuôi trâu, bò nhốt chuồng, xóa bỏ dần tập quán chăn thả gia súc; thực hiện mô hình trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.
Đến nay, toàn xã có 350 ha cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn cho đại gia súc, nhất là vào mùa đông. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi trâu, bò, gia đình ông Quàng Văn Xiên, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến đã chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống đói, rét cho đàn trâu. Ông Xiên cho biết: Gia đình tôi đang nuôi 5 con trâu, bây giờ là thời điểm vỗ béo cho đàn trâu để chuẩn bị xuất bán dịp cuối năm và dịp Tết. Gia đình trồng trên 3ha cỏ voi, tích trữ rơm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc; chủ động che chắn chuồng trại, lót rơm xuống nền chuồng, đốt lửa sưởi ấm, bổ sung thêm nước muối, các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn trâu trong những ngày rét đậm, rét hại.
Còn tại xã vùng cao Chiềng Ân (Mường La, Sơn La) mùa đông ở đây nhiệt độ xuống thấp hơn so với các xã vùng thấp 3-5 độ C, thường xuyên rét đậm, rét hại. Chính quyền địa phương chú trọng triển khai đến các hộ phòng, chống đói, rét, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, thông tin: Chăn nuôi là một trong những nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân nơi đây. Hiện nay, toàn xã duy trì, phát triển đàn gia súc trên 4.000 con và trên 10.000 con gia cầm. Xã tích cực vận động nhân dân thực hiện nuôi nhốt gia súc, các bản đưa việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm vào quy ước, hương ước của bản để nhân dân cam kết thực hiện, hiện nay, 90% số hộ chăn nuôi đầu tư chuồng trại. Xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông, thú ý xã hướng dẫn nhân dân phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch, bệnh mùa đông; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Mường La triển khai phương án phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi
Hiện nay, toàn huyện Mường La có 13.198 con trâu, 30.948 con bò, 23.840 con dê, đàn lợn 69.200 con, đàn gia cầm 563 nghìn con. So với cùng kỳ, đàn trâu tăng 4,7%, đàn bò tăng 8,6%, đàn lợn tăng 5,1%, đàn dê tăng 8,3%, đàn gia cầm tăng 4,3%. Huyện đã chỉ đạo các địa phương mở rộng vùng trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò với 1.357 ha, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhốt chuồng trên địa bàn huyện đạt trên 80%.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Vào mùa đông, ở các xã vùng núi cao, như: Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Chiềng Công, Ngọc Chiến thường xảy ra rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 3 độ C, xuất hiện tình trạng băng giá.
Ngay từ đầu mùa đông, huyện Mường La đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân biết, chủ động phòng chống rét đậm, rét hại.
Thành lập các tổ công tác xuống các bản, tiểu khu để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn. Hướng dẫn nhân dân về áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về nuôi nhốt để kiểm soát, chăm sóc, quản lý; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm, nên dùng bao tải, tấm chăn để may làm áo choàng chống rét cho gia súc. Ngoài ra, những ngày rét đậm, cần đun nước ấm cho trâu bò uống, bổ sung thêm muối ăn với định lượng 5 gam/100 kg trọng lượng cơ thể nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng.
Đối với lợn cần cung cấp đầy đủ khẩu phần, đảm bảo dinh dưỡng. Không rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp, nếu nuôi lợn sinh sản cần có chuồng úm riêng cho lợn con để chăm sóc tốt hơn. Đối với gia cầm do khả năng chịu lạnh kém, cần lựa chọn biện pháp thích hợp chống rét như che chắn chuồng trại, đảm bảo kín, tránh gió lùa, sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại, bếp sưởi để tăng nguồn nhiệt; không thả gia cầm ra trời trong những ngày có rét đậm, rét hại,…
Ngoài việc cho gia cầm ăn đủ bữa, đủ số lượng, đủ chất thì cần phải cung cấp đầy đủ nước ấm, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng đề kháng cho gia cầm. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hoá chất thông dụng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo đúng quy trình…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Mường La đang bảo vệ tốt đàn vật nuôi. Số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.