|
  • :
  • :

Vợ chồng đồng lòng phát triển kinh tế 

Chị Trần Thị Phượng, ở ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, luôn lạc quan, nhạy bén chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập.

Đối với chị Phượng được làm việc là niềm vui, là động lực vươn lên khấm khá.

Là con gái út, từ nhỏ chị Phượng sớm biết phụ giúp việc nhà, giỏi nấu ăn, giặt giũ, để cha mẹ an tâm làm ruộng nuôi mấy anh em khôn lớn. Năm 27 tuổi, chị Phượng lập gia đình với anh Phan Văn Mèo, ở phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, lần lượt sinh 2 con. Vợ chồng chị Phượng ra sức làm mướn, chăn nuôi, tích cóp tiền mua từng công đất ruộng. Hiện anh chị trồng lúa 2 vụ/năm trên 30 công đất; trừ chi phí, lợi nhuận bình quân từ 3 triệu đồng/công/năm. Hơn hai năm nay, anh Mèo đầu tư cải tạo 5 công vườn trồng nhãn Ido và đang học hỏi kỹ thuật nhà vườn lân cận để nhãn cho trái, với hy vọng đạt năng suất cao.

Khi chúng tôi đến nhà, chị Phượng đang quét dọn chuồng sau khi cho 50 con heo ăn no, tắm mát. Theo kinh nghiệm gần 20 năm chăn nuôi của chị Phượng, chịu khó quét dọn, vệ sinh, khử trùng chuồng trại sạch sẽ, kết hợp theo dõi tiêm ngừa, góp phần hạn chế các loại bệnh thường thấy trên heo. Chị Phượng mua heo giống tốt, còn "có tay" nuôi nên heo đẻ sai. Chia chuồng thành nhiều ngăn, phân bầy heo theo thứ tự thời gian trước sau, chị Phượng canh lượng thức ăn, tiêm ngừa đầy đủ. Bình quân sau 4 tháng nuôi, heo cân nặng hơn 1 tạ/con. Mỗi năm, chị Phượng bán 2 đợt heo, đạt lợi nhuận khoảng 1-2 triệu đồng/con, tùy thời giá thu mua. Thời gian dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chị Phượng gián đoạn sản xuất như nhiều nông hộ khác. Sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn ưu đãi, chị Phượng nhanh chóng sửa chữa chuồng trại, mua con giống, thức ăn; khôi phục sản xuất.

Vừa lo xong bầy heo, chị Phượng quay sang vén lưới bao chuồng vịt, quét dọn sạch sẽ. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, chị Phượng vào chuồng nhặt trứng và lùa cả đàn vịt ra ngoài đồng, anh Mèo trông coi. Ðàn vịt gần 3.000 con này chị mới mua, nên đẻ tầm 120 trứng/ngày. Khoảng nửa tháng tới, đàn vịt sẽ đẻ rộ, khoảng 1.800 trứng/ngày, nhặt hơn 2 giờ mới hết. Chị Phượng cho biết: "Tôi cho ăn đầy đủ nên vịt đẻ trứng to, đều đặn. Cứ 4 ngày, thương lái vào đếm trứng, giá thu mua hiện khoảng 30.000 đồng/chục. Nguồn thu nhập từ trứng vịt giúp tôi "lấy ngắn nuôi dài", mua phân bón ruộng, thức ăn công nghiệp nuôi heo". Mỗi ngày, chị Phượng chi từ 5 triệu đồng mua thức ăn công nghiệp nuôi heo và vịt đẻ.

Chị Phượng bộc bạch: "Cả ngày, vợ chồng miệt mài lao động. Ổng chịu khó thăm ruộng, tưới nhãn, chăn vịt, tôi bận "thủ" bầy heo. Cực nhọc vậy nhưng vợ chồng tôi luôn vui vẻ, hòa thuận. Ai muốn đầu tư làm gì cũng phải thống nhất ý kiến và quyết tâm theo đến cùng. Nếu chẳng may thua lỗ cũng rút được bài học kinh nghiệm cho lần sau". Vợ chồng chị Phượng cật lực lao động, chi tiêu tiết kiệm, tập trung chăm lo 2 con học hành đến nơi đến chốn. Chị Phượng kể, lúc con trai lớn 9 tuổi, vợ chồng chị đã gởi ra nhà bà con ở chợ xã tập mua bán, giữ trẻ, để dành tiền công đóng học phí đầu năm. Khi thi đậu đại học ngành tài chính - ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh, con trai tự vừa học, vừa làm thêm kiếm tiền chi tiêu…

Chị Nguyễn Thị Mộng Trúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Thắng, nói: "Vợ chồng chị Phượng chí thú làm ăn, khéo tính toán, cân phân chi phí sản xuất, nên luôn đạt lợi nhuận, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Cần cù lao động vươn lên từ tay trắng, vợ chồng chị Phượng luôn sát cánh, động viên nhau khi khó khăn; cần kiệm chăm lo các con trở thành người hữu dụng cho gia đình và xã hội".

Nguồn: https://baocantho.com.vn/vo-chong-dong-long-phat-trien-kinh-te-a162548.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin