Khởi động sản xuất, kinh doanh
Thu hoạch lúa thu đông trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Bà Nguyễn Thị Thuý Liễu, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khi địa phương được nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 người dân đều vui mừng, phấn khởi. Đó là nhờ các cấp chính quyền và người dân đã đồng lòng dập dịch. Vì vậy, chúng tôi sẽ không chủ quan, lơ là trong mọi hoạt động, mà cần tiếp tục tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm những quy định do Bộ Y tế, TP Cần Thơ và huyện Vĩnh Thạnh ban hành...”.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Vĩnh Thạnh triển khai ngay kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 18-9, lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai thực hiện và khôi phục hoàn toàn 100%; tất cả 20 doanh nghiệp và 157 lò sấy có phương án sản xuất bảo đảm các biện pháp an toàn được phép hoạt động bình thường trở lại, những đơn vị chưa hoàn thành đúng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch đối với phương án sản xuất sẽ được các phòng chuyên môn hỗ trợ thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng dần hoạt động trở lại theo hướng cho người dân mở cửa buôn bán tại nhà, lưu động, theo các trục giao thông gồm các mặt hàng thiết yếu, tạp hóa; quán ăn, giải khát, nhà hàng được hoạt động theo hướng bán mang về (chưa cho phép chợ truyền thống hoạt động, tụ tập đông người). Giao thương hàng hóa, giao thông vận tải vận chuyển hành khách được khai thông (nhưng số ghế tối đa 50%), taxi, xe ôm… được hoạt động, tạo việc làm, phát triển KT-XH tại địa phương. Hoạt động các bến khách ngang sông được thực hiện theo khung giờ (buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, buổi trưa từ 11 giờ đến 13 giờ; buổi chiều từ 17 giờ đến 19 giờ)... tất cả phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và test nhanh xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định.
Từ ngày 30-10 đến 30-11-2021, huyện Vĩnh Thạnh xác định thương mại dịch vụ, giao thông, vận tải, bến khách ngang sông được hoạt động 100% công suất (trừ các dịch vụ vui chơi, giải trí, massage…). Chợ truyền thống nhóm họp trở lại 50% số lô, sạp. Đồng thời, sau ngày 30-11-2021, các lĩnh vực, hoạt động nêu trên được khôi phục hoàn toàn. Ông Đoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thực hiện tốt các giải pháp của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo hướng áp dụng phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, quản lý chặt người ngoài địa phương và thực hiện test nhanh xét nghiệm theo quy định. Các đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình trong thời gian đưa vào hoạt động...”.
Đảm bảo an toàn để phát triển
Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, trong 9 tháng năm 2021, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Vĩnh Thạnh được 5.579 tỉ đồng, đạt 67,14% kế hoạch, giảm 3,48% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực nông nghiệp đạt 3.254 tỉ đồng, đạt 84,30% kế hoạch, tăng 6,69% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.145 tỉ đồng, đạt 48,72% kế hoạch, giảm 17,03% so với cùng kỳ; khu vực thương mại - dịch vụ đạt 1.180 tỉ đồng, đạt 56,19% kế hoạch... Một số lĩnh vực hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tập trung thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch...
Để khôi phục sản xuất, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại khi xây phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”, đặc biệt là nội dung “3 tại chỗ” và đảm bảo các điều kiện để hoạt động. Trường hợp không đảm bảo điều kiện áp dụng “3 tại chỗ” thì đề nghị xem xét thực hiện phương châm “một cung đường, hai điểm đến” và phải tuân thủ thực hiện tốt “nguyên tắc 5K”... Sản xuất nông nghiệp, năm 2021 địa phương có tổng diện tích gieo trồng lúa 71.932,4ha, tổng sản lượng ước đạt 516.299 tấn lúa tươi. Riêng vụ lúa thu đông 2021, Vĩnh Thạnh xuống giống trên 21.720ha, đạt 156,15% kế hoạch, trong đó cơ cấu giống chủ yếu OM 5451. Lúa thu đông 2021 phát triển tốt, đang giai đoạn trổ, chín. Rau màu sản xuất với tổng diện tích 1.069ha, trong đó sản xuất trên nền đất lúa kém hiệu quả là 396ha, trồng trên đất bờ bao 672ha. Diện tích cây ăn trái toàn huyện 426ha... Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt hiệu quả cao, huyện Vĩnh Thạnh đã nạo vét, khai thông dòng chảy, gia cố một số tuyến kênh, mương máng tưới tiêu với khối lượng thực hiện 65.900m3, kinh phí thực hiện trên 1,64 tỉ đồng, đạt 109,83% kế hoạch. Vĩnh Thạnh cũng đang thẩm định 3 dự án thủy lợi năm 2021, như hệ thống thủy lợi tạo nguồn liên xã Thạnh Quới - Thạnh Tiến; nâng cấp đê bao kênh số 1, kênh Năm Mãnh, Kênh 300, kênh cùng Vạn Lịch; hệ thống thủy lợi tạo nguồn liên xã Thạnh Mỹ - Thạnh Lộc - thị trấn Vĩnh Thạnh.
Hiện lúa thu đông đang vào mùa thu hoạch, huyện Vĩnh Thạnh vận dụng nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân thu hoạch lúa từ tổ dịch vụ gặt đập liên hợp, lao động, thương lái, doanh nghiệp tại địa phương. Kết nối các doanh nghiệp đóng tại địa bàn hỗ trợ liên kết tiêu thụ lúa thu đông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua lúa, hàng hóa nông sản thuận lợi, nhằm kịp thời khôi phục năng lực sản xuất, hoạt động kinh doanh trên địa bàn...
Ông Đoàn Quốc Sử nhấn mạnh: “Những tháng cuối năm Vĩnh Thạnh tập trung rà soát và hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2021. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân đi đôi với phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân. Nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng dịch cho toàn dân và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội...”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN