Nuôi thủy sản trong lồng bè theo chuỗi an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngày càng thu hút nhiều hộ tham gia. Trong ảnh: Làng lồng bè nuôi thủy sản trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Khoai lang là cây trồng chủ lực để xuất khẩu ở huyện Bình Tân, có thời điểm diện tích trồng khoai lang lên tới hơn 4.800ha, chiếm gần 97% diện tích trồng khoai của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã Thành Trung, Thành Đông, Thành Lợi. Thời gian gần đây, giá khoai lang giảm mạnh, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên diện tích trồng giảm dần. Song, để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mô hình “Sản xuất khoai lang sạch” được triển khai trên diện tích 1ha tại xã Thành Trung và mô hình “Sản xuất khoai lang đạt chứng nhận VietGAP” 90ha với 77 hộ nông dân ở các xã Thành Trung, Tân Bình và Tân Thành. Trong đó, quy trình sản xuất khoai theo hướng hữu cơ, áp dụng đồng bộ các biện pháp về giống (sử dụng giống tốt, sạch bệnh), canh tác luân canh lúa - khoai, sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý các loại côn trùng, nấm bệnh gây hại, sử dụng 70% phân hữu cơ trên tổng lượng phân bón... Mô hình đã tạo ra sản phẩm sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong củ khoai lang và có dư lượng nitrat dưới ngưỡng gây hại. So với ruộng khoai đối chứng, tỷ lệ củ thương phẩm của ruộng trong mô hình đạt 79,8% (cao hơn 3,3%) và màu sắc đẹp hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế đạt được trong mô hình cao hơn 3,8 triệu đồng/công.
Mô hình nuôi cá rô phi trong 55 chiếc lồng bè (tổng thể tích 12.456m3) tại Hợp tác xã Liên kết chuỗi thủy sản an toàn Vĩnh Long (ở xã An Bình, huyện Long Hồ) sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra, từ đó đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững cho hoạt động nuôi cá rô phi lồng bè. Giúp cho sản phẩm thủy sản của các hợp tác xã có giá bán cao hơn so với giá thị trường (từ 3.000-5.000 đồng/kg cá), do đó mô hình ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia vào chuỗi liên kết. Mô hình sản xuất này đã đạt được chứng nhận VietGAP và được Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh xác nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và TP Vĩnh Long có mô hình nuôi lươn không bùn triển khai tại 84 điểm (mỗi điểm 2.500 con lươn), các hộ nuôi đều được liên kết tiêu thụ sản phẩm (lươn thịt) với giá bán cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg, giúp người dân an tâm chăn nuôi, không lo đầu ra sản phẩm.
Ngoài ra, các mô hình liên kết chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học theo chuỗi giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các huyện: Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn đều mang lại hiệu quả cao. Điển hình là mô hình nuôi gà bố mẹ (500 con/mô hình) và 84 mô hình nuôi gà thương phẩm (300 con/mô hình). Trong số đó hình thành được 5 tổ hợp tác chăn nuôi gà, liên kết với cơ sở cung cấp thức ăn với giá gốc, thấp hơn giá thị trường từ 200-500 đồng/kg (thức ăn) và bán sản phẩm cao hơn 2.000 đồng/kg, giúp người nuôi tăng lợi nhuận.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến khích nông dân, các tổ chức sản xuất đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng phải phù hợp với từng vùng thổ nhưỡng, phù hợp với quy hoạch sản xuất, chăn nuôi của từng tiểu vùng và có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, tránh tình trạng phát triển sản xuất ồ ạt dẫn đến “trúng mùa - dội chợ”, gây rủi ro cho người sản xuất.