Giải pháp bảo vệ đàn gia súc
Giang Ma, là xã nghèo, thuần nông ở huyện Tam Đường (Lai Châu). Nhiều năm nay người dân nơi này chủ yếu sống dựa vào nghề nông. Bên cạnh các mô hình trồng trọt thì mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm là nguồn thu nhập chính của bà con.
Được chính quyền xã, bản, lực lượng chức năng và các đoàn thể, Hội nông dân tới tận nhà tuyên truyền, cùng với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Giàng A Măng, người dân tộc Mông ở bản Phìn Chải (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, Lai Châu) thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin định kỳ đầy đủ cho đàn vật nuôi. Nhờ đó đàn vật nuôi của gia đình anh khoẻ mạnh, tăng đàn ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá, gia đình cũng nhờ đó có của ăn của để.
Đưa chúng tôi đi thăm đàn lợn 6 con và 1 con trâu, anh Măng tự hào chia sẻ: Gia đình tôi là một trong những hộ đi đầu trong bản thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên được cán bộ thú y tới thăm và chia sẻ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi, nhờ đó tôi cũng "vỡ vạc" ra được nhiều điều để áp dụng chăm sóc cho đàn vật nuôi.
Theo anh Măng, ngoài vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin định kỳ, để đàn vật nuôi khoẻ mạnh cần cung cấp đủ lượng thức ăn và chú tâm theo dõi sức khoẻ hàng ngày cho vật nuôi, từ đó phát hiện sớm các triệu chứng bệnh để có giải pháp phòng, trừ giữ cho đàn vật nuôi khoẻ mạnh, phát triển ổn định.
Chính quyền đồng hành với bà con bảo vệ đàn gia súc
Chia sẻ với chúng tôi, ông Giàng A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma (huyện Tam Đường, Lai Châu) hồ hởi cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để công tác phòng, tránh dịch bệnh lây lan chúng tôi chú trọng kiểm việc vận chuyển lưu thông gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã Giang Ma có trên 4 nghìn con, gia cầm là gần 16 nghìn con, mặc dù xã không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt dịch tả lợn châu phi trong những năm trước đây, nhưng bà con nông dân nơi này không lơ là, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhờ đó đàn vật nuôi phát triển ổn định, tốc độc tăng đàn hàng năm đạt 5 – 6%.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và phòng trừ dịch bệnh với gia súc, gia cầm xã, đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trong xã đã quan tâm đến công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi.
Người dân bước đầu đã tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Chư cho biết: Muốn phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức của nhân dân. Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Nên phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khu vực lân cận 1 lần/tuần.
Bà con cần thường xuyên quan sát đàn gia súc, gia cầm, nếu thấy biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giao nhiệm vụ cho cán bộ thú y xã phối hợp với các trưởng bản giám sát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra đột xuất các thôn bản trong thời gian tiêm phòng, với mục tiêu ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc gây thiệt hại cho người chăn nuôi.