|
  • :
  • :

Ứng dụng khoa học và công nghệ để nông nghiệp ĐBSCL thích ứng bối cảnh mới 

Nhu cầu lương thực thế giới tăng cao, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, diện tích đất canh tác có xu hướng bị thu hẹp. Mặt khác, sản phẩm nông sản tiêu thụ trên thị trường hiện nay đòi hỏi cao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… vì vậy nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải chuyển mình thích ứng và việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất là một trong những giải pháp tối ưu.

Yêu cầu thực tiễn

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Tại tọa đàm với chủ đề KH&CN trong phát triển bền vững nông nghiệp vùng ĐBSCL mới đây, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng và mạnh mẽ của cách mạng KH&CN, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; thời đại của toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối phó với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh. Với vai trò trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hiệu quả phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và của quốc gia, hằng năm, trường thực hiện gần 500 đề tài, dự án trong nước và quốc tế, phát triển và tập huấn, chuyển giao nhiều quy trình công nghệ cho vùng, cả nước và quốc tế.

PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, thông tin: Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,8 tỉ người vào năm 2050, kéo theo đó nhu cầu lương thực sẽ tăng lên gấp 2 lần hiện nay. Như vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện nguồn tài nguyên suy giảm, điều kiện bất lợi là thách thức lớn cho ngành Nông nghiệp. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp tối ưu là ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất (khu vực đô thị và nông thôn) và hiệu quả sản xuất; đồng thời giảm ảnh hưởng tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường. Hiện Trường Đại học Cần Thơ đã có chuyên ngành đào tạo nông nghiệp công nghệ cao với 120 sinh viên theo học. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL trong tương lai.

Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp của các viện, trường tại ĐBSCL cũng dần nắm bắt “hơi thở cuộc sống”. TS Mai Nguyệt Lan, Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Từ năm 1975 đến nay, việc nghiên cứu KH&CN trong canh tác lúa của Viện phát triển mạnh, đạt được những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu các giống lúa mới; giải pháp, kỹ thuật canh tác; cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao. Chẳng hạn, đối với việc nghiên cứu ra các giống lúa mới đã có sự thay đổi, biến chuyển theo từng giai đoạn. Ở thời điểm sau khi đất thống nhất đất nước, Viện tập trung vào các giống lúa cho năng suất cao để đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực. Về sau, phẩm chất gạo, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh được chú trọng. Và hiện nay, Viện tập trung vào các giống lúa có chất lượng, phẩm chất, giá trị dinh dưỡng cao để có thể đáp ứng tất cả các phân khúc thị trường”.

Thích ứng bối cảnh mới

GS. TS Hà Thanh Toàn khẳng định: Với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL của Đảng và Chính phủ, Trường Đại học Cần Thơ cam kết đẩy mạnh nối kết và hợp tác với các bên liên quan trong nước và quốc tế để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Diễn đàn “Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045” (SDMD2045) do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng và chủ trì, đang được bắt đầu triển khai với nhiều hoạt động. Trong khuôn khổ SDMD2045, trường sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm trực tuyến thường kỳ vào các tháng 3, 6, 9 và 12 hằng năm với các chủ đề khác nhau. Qua đó kết nối các bên liên quan, chia sẻ thông tin về nhu cầu và năng lực cung cấp KH&CN của các bên, làm cơ sở cho hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL.

Các xu hướng, công nghệ đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi cho nền nông nghiệp tương lai có thể kể đến như công nghệ sinh học, cơ giới hóa và tự động hóa, hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ tạo và kiểm soát môi trường nhân tạo, Blockchain… “Riêng đối với ĐBSCL, tôi cho rằng, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cần phải ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố mang tính bắt buộc trong làm nông nghiệp công nghệ cao, với vai trò kết nối thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); hỗ trợ quy hoạch, tổ chức sản xuất; kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ nông sản…” - PGS. TS Lê Văn Vàng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp tại ĐBSCL cần dựa trên việc nắm bắt nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng. Ths Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây ăn quả, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Thời gian tới, Viện tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu của thị trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới. Bên cạnh đó, Viện tổ chức đánh giá chất lượng các giống cây ăn trái đặc sản, bản địa, kịp thời phục tráng để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần xác định doanh nghiệp là trọng tâm trong hoạch định và xây dựng chính sách, ngành KH&CN chủ động tham mưu các chính sách đặc thù của địa phương để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. “Chúng ta phải xem chính sách KH&CN là một thành tố quan trọng không tách rời trong tổng thể các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách KH&CN đến các đối tượng thụ hưởng chính sách” - ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp, đề xuất.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-de-nong-nghiep-dbscl-thich-ung-boi-canh-moi-a145213.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin