Anh Trương Văn Pháp (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu về sản phẩm trà mãng cầu Diệu Phúc do anh sản xuất.
Chương trình OCOP nhằm thực hiện việc phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần tái cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; chú trọng thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Ðức Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, để thực hiện Chương trình này, những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã quy hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, an toàn, khuyến khích phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, phát triển các ngành nghề truyền thống, như làm bánh đa, chả lụa, các loại bánh dân gian… Ông Nguyễn Ðức Phong cho biết thêm: "Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, Phòng NN&PTNT tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương hướng dẫn các cơ sở, chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cải tiến quy trình, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP".
Ý thức được lợi ích từ chương trình mang lại, nhiều cơ sở, chủ thể sản xuất mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình OCOP đã chủ động xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Một trong những hộ sản xuất đi tiên phong Chương trình này là cơ sở sản xuất chả lụa Kim Ngân, thị trấn Thạnh An. Năm 2020 cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất từ khâu xay thịt, đóng gói đến hấp chả, đều làm bằng máy, hạn chế sự tham gia của con người trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Ðoán, Chủ cơ sở chả lụa Kim Ngân, nói: "Ðiểm khác biệt của sản phẩm chả lụa Kim Ngân là bao bì, thay vì gói bằng lá chuối hoặc nylon thì chỉ có thể bảo quản và dùng trong 2-3 ngày, cơ sở đã mạnh dạn thay lá chuối bằng màng nhựa phức hợp kháng khuẩn PA, đóng gói, ép hút chân không, vô trùng vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vừa in được nhãn hiệu, mã vạch chất lượng và các thông số kỹ thuật của sản phẩm lên bao bì, vì thế sản phẩm trữ được lâu hơn".
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất của cơ sở chả lụa Kim Ngân đã hoàn toàn thuyết phục Hội đồng đánh giá công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ. Với 3 sản phẩm của cơ sở gồm: chả lụa Kim Ngân, chả chiên Kim Ngân và giò thủ Kim Ngân đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ðây là những sản phẩm đầu tiên của huyện Vĩnh Thạnh đạt tiêu chuẩn OCOP, mở đầu cho sự thành công và là động lực để huyện tiếp tục lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu khác tham gia vào Chương trình OCOP của thành phố.
Ðến nay, cùng với các sản phẩm của chả lụa Kim Ngân, huyện Vĩnh Thạnh còn có thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vừa được Hội đồng cấp thành phố xét công nhận, đó là: chả lụa, chả chiên Thúy Hằng của hộ bà Phan Hồ Ðiệp ở xã Thạnh Tiến; bánh đa, hủ tiếu Nhật Nguyệt của hộ anh Ðỗ Hoàng Giao, xã Thạnh Lợi và sản phẩm trà mãng cầu Diệu Phúc của hộ anh Trương Văn Pháp ở xã Vĩnh Bình. Theo anh Ðỗ Hoàng Giao, nghề làm bánh đa, hủ tiếu đã gắn bó với gia đình anh từ hơn 30 năm qua, tham gia Chương trình OCOP giúp cơ sở nâng cao chất lượng, xây dựng được thương hiệu riêng và hơn hết là phát triển nghề gia truyền. Còn anh Trương Văn Pháp, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diệu Phúc nói: "Chương trình OCOP rất có ý nghĩa nhất là đối với các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn, sản phẩm của mình được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP là điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ".
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: "Hiện nay Chương trình OCOP đã thu hút sự quan tâm của các cơ sở, hộ sản xuất trên địa bàn. Ðể Chương trình ngày càng lan tỏa, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các cơ sở, hộ sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến quy trình làm ra sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP góp phần khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương nâng cao giá trị và thương hiệu trên thị trường".