Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã góp phần làm cho cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của huyện Tủa Chùa chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã góp phần tích cực đảm bảo an ninh lương thực và tạo thu nhập chính cho người dân. Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị, nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, gắn nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.
Thực hiện chính sách theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, huyện Tủa Chùa đã triển khai 05 dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm: Vịt bầu địa phương (2.960 con), ngô lai VN885 (34 ha), đào địa phương (2,5 ha), lúa bắc thơm số 7 và lúa TBR225 (52 ha), trồng mới 25,5 ha mắc ca và tiếp tục chăm sóc năm thứ 2 đối với diện tích 18,5 ha trồng năm 2020, với tổng số 580 hộ tham gia trên địa bàn các xã Mường Đun, Tủa Thàng, Thị trấn, Mường Báng, Trung Thu, Xá Nhè
Đối với các sản phẩm liên kết ngắn ngày như lúa, ngô, vịt bầu được đơn vị chủ trì liên kết thu mua theo hợp đồng đã ký với các hộ tham gia dự án. đối với cây mắc ca các dòng đã trồng 816, 246, 849, OC qua đánh giá bước đầu sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90% . Hỗ trợ 13 lồng bè nuôi cá cho 13 hộ trên địa bàn xã Tủa Thàng, Huổi Só.
Thực hiện chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP: Huyện đã thực hiện 3 mô hình trồng giống lúa mới (ADI 168, Hana112) vụ xuân trên địa bàn xã Xá Nhè, Mường Đun, Thị trấn với quy mô 39 ha với 351 hộ tham gia với kinh phí phê duyệt 790,3 triệu đồng, năng suất đạt 101,66 tạ/ha, sản lượng đạt 396,5 tấn. 03 ha mô hình trồng giống lúa mới ADI 28 trong vụ mùa với quy mô 51 ha trên địa bàn xã Mường Đun, Tả Phìn, Xá Nhè năng suất đạt 75 tạ/ha, sản lượng đạt 382,5 tấn. Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn xã Tả Phìn. Tiếp chi 3 công trình đường nội đồng, thủy lợi thực hiện các năm trước. Các mô hình đem lại hiệu quả trong công tác thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã nỗ lực triển khai đồng bộ các dự án để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Dự án quản lý, dịch hại tổng hợp trên lúa, bảo vệ thực vật, khuyến nông... Hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương. Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về giống cây, con và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp huyện Tủa Chùa đang thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, đặc biệt quan tâm phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, trong đó xác định lấy liên kết sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ nông sản làm trung tâm của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" được triển khai mạnh mẽ những năm gần đây đã mang lại diện mạo mới cho sản phẩm của các hợp tác xã về cả chất lượng, hình thức và số lượng. Huyện Tủa Chùa tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, xúc tiến thương mại 4 sản phẩm đã được công nhận xếp hạng 3 sao năm 2019-2020 theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đã phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ kinh phí xây dựng sản phẩm OCOP gạo vai gẫy năm 2021. Đã tổ chức chấm điểm tại huyện và gửi hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP tại tỉnh đạt xếp hạnh 3 sao.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Để đạt được những kết quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, huyện Tủa Chùa tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đến năm 2022, bình quân các xã của huyện đạt 11,45/19 tiêu chí, 03 xã Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng cơ bản đạt từ 13- 16 tiêu chí, 08 xã còn lại cơ bản hoàn thành từ 10 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm 3%/năm. 15% số thôn bản đạt từ 10/15 tiêu chí trở lên theo chỉ tiêu bộ tiêu chí thôn bản nông thôn mới; 4 thôn bản cơ bản đạt thôn bản nông thôn mới (Phai Tung, Tiên Phong xã Mường Báng; Bản Đun, Đun Nưa xã Mường Đun).