Lượng xuất khẩu cao su trong tháng 7 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm
Tháng 7/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu được 219,63 nghìn tấn cao su, trị giá 286,79 triệu USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 986,49 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 do giá cao su liên tục giảm.
Về giá xuất khẩu: Tháng 7/2023, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.306 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 6/2023 và giảm 19,6% so với tháng 7/2022.
Tháng 7/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,82% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 175,3 nghìn tấn, trị giá 226,26 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 tăng 25% về lượng và tăng 2,7% về trị giá, đây là tháng thứ 6 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.291 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 6/2023 và giảm 17,9% so với tháng 7/2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 757,6 nghìn tấn cao su, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang dần hồi phục được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu cao su của Việt Nam trong các tháng tới.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với cùng kỳ năm 2022 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan...
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc tăng
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 4,06 triệu tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 6,08 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng, nhưng giảm 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, do giá cao su giảm mạnh. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng năm 2022.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 664,23 nghìn tấn, trị giá 898,01 triệu USD, tăng 18,5% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,35% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 16,03% của 6 tháng đầu năm 2022.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp.
Trong đó, nhập khẩu cao su tự nhiên có xu hướng tăng và chiếm 30,43% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc; Nhập khẩu cao su tổng hợp tiếp tục tăng và chiếm 68,17% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc. Phần còn lại là cao su tái sinh và cao su hỗn hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,23 triệu tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 1,62 tỷ USD, tăng 3,5% về lượng, nhưng giảm 20,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trừ Bờ Biển Ngà và Indonesia, lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 thị trường còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 76,96 nghìn tấn, trị giá 87,88 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 28,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,22% trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 6,85% của 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,01 triệu tấn hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), với trị giá 2,78 tỷ USD, tăng 33,7% về lượng và tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. Trừ Myanmar, lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 583,15 nghìn tấn, trị giá 803,16 triệu USD, tăng 22,9% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 29% trong tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 31,54% của 6 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc từ Thái Lan và Lào đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Thái Lan chiếm tới 54,42% trong tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 47,33% của 6 tháng đầu năm 2022.
Được biết, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, giá thu mua mủ cao su tại các vùng nguyên liệu dao động từ 240-280 đồng/TSC. Cụ thể, giá mủ nước tại tỉnh Đắk Lắk dao động từ 240-245 đồng/TSC; giá mủ nước ở tỉnh Bình Phước ghi nhận từ 245-280 đồng/TSC; giá mủ nước tại Đắk Nông, Phú Yên dao động ở mức 265-266 đồng/TSC.
Giá thu mua mủ nước tại các công ty cao su đầu tháng 8/2023 trong khoảng 264-270 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 250-270 đồng/TSC; Công ty Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 265-267 đồng/TSC, tăng 3 đồng/TSC so với cuối tháng trước; Công ty Cao su Đồng Phú giữ giá thu mua ở mức 270 đồng/TSC; Công ty Cao su Bình Long thu mua ở mức 259-269 đồng/TSC.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào và Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm giúp ngành cao su của cả hai nước phát triển và đạt được các mục tiêu bền vững. Theo MOU vừa ký kết, hai hiệp hội cao su sẽ chia sẻ các bài học về kinh nghiệm phát triển; hỗ trợ các công ty cao su Việt Nam hoạt động tại Lào sản xuất cao su trên cơ sở bền vững, hướng tới đạt được chứng nhận bền vững và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đã thống nhất để mỗi bên đều có lợi.
Hai bên cũng cho rằng Hiệp hội Cao su Lào cần tăng cường hỗ trợ và thu hút thêm nhiều công ty chế biến mủ cao su theo tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho Việt Nam và các nước khác.