Tình trạng "lật kèo"
Vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, mặc dù giá bán cao hơn mọi năm từ 45.000-50.000 đồng/kg. Có thời điểm giá sầu riêng tăng vọt rồi bất ngờ giảm mạnh.
Do đó, đã xảy ra trường hợp nông dân "bẻ kèo", thương lái bỏ cọc trong mua bán sầu riêng. Điều này đã để lại những hệ lụy cho các bên ký kết hợp đồng tiêu thụ sầu riêng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhất, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), có hơn 1,5 ha sầu riêng. Vào thời điểm tháng 6/2023, gia đình ông đã thỏa thuận với thương lái chốt cọc vườn sầu riêng với giá 65.000 đồng/kg (trừ trái bị sâu bệnh, nấm).
Theo ông Nhất, sau khoảng 1 tháng, khi tiến hành thu hái, giá sầu riêng giảm xuống 60.000 đồng/kg. Do đó, thương lái không đến cắt, để sầu riêng lưu trên cây gần chục ngày. Nếu cắt bán thì ông vi phạm hợp đồng, còn chờ thương lái đến sầu riêng sẽ chín rụng.
Ông Nhất cho biết: “Tôi rất khó xử lý và lo lắng đến mất ngủ. Nhiều người đến vườn hỏi mua sầu tiêng, nhưng tôi không thể bán vì đã trót nhận tiền cọc. Lưu quả trên cây quá lâu sẽ làm suy kiệt vườn cây, sầu riêng chín rụng nhiều”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, một chủ vườn sầu riêng ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho hay, thời gian qua, có rất nhiều thông tin cho rằng, khi giá sầu riêng trên thị trường tăng thì nông dân “bẻ kèo” bán sản phẩm cho người khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, theo ông Hùng, điều này hầu như khó xảy ra. Vì khi giá sầu riêng tăng thị trường sẽ thông suốt, các doanh nghiệp, thương lái tranh thủ cắt để bán kiếm lãi.
Nông dân khó tiếp cận thị trường tiêu thụ. Do đó, bà con rất muốn chung thủy với một vài chủ vựa để sản phẩm xuất bán thuận lợi. Có người khi bán sầu riêng còn bớt vài giá để tạo thiện cảm với người mua. "Chỉ có trường hợp thương lái bỏ cọc, vi phạm hợp đồng, neo quả làm sầu riêng quá lứa. Còn hầu hết bà con nông dân đều thật thà, làm ăn đàng hoàng", ông Hùng khẳng định.
Cần liên kết chặt chẽ, tôn trọng nhau
Ông Nguyễn Thành Tâm, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), chuyên thu mua sầu riêng hơn 10 năm qua. Ông Tâm thường mua trọn vườn sầu riêng để chăm sóc sau đó thu hái. Việc tuân thủ hợp đồng mua bán sầu riêng được ông và người dân thực hiện bài bản, nghiêm túc.
“Trong quá trình mua bán sầu riêng, các bên đều thỏa thuận hợp tác, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Những chủ vườn lớn, khu vực được cấp mã vùng, không khí thu hoạch diễn ra sôi nổi, thuận mua, vừa bán", ông Tâm cho biết.
Theo Sở NN-PTNT, đến giữa tháng 9/2023, tỉnh Đắk Nông có 24 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tổng diện tích các vùng trồng này đạt trên 644 ha, với 148 hộ dân. Trong đó, có 10 mã được cấp từ năm 2022, còn lại được cấp năm 2023. Các mã vùng trồng phân bố ở khắp các huyện, thành phố.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sầu riêng bảo đảm uy tín. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sầu riêng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tuyên truyền, khuyến cáo, quá trình ký kết hợp đồng tiêu thụ sầu riêng, người dân và thương lái, doanh nghiệp cần đưa ra điều khoản chặt chẽ. Đôi bên cần tôn trọng hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp cần thiết, các bên cần mời luật sư làm trung gian để soạn thảo hợp đồng chặt chẽ. Nông dân khi nhận tiền cọc cần tính toán kỹ lưỡng, đề phòng thương lái bỏ cọc. Bà con không nên "bẻ kèo" dù giá sầu riêng có tăng so với hợp đồng...