|
  • :
  • :

Trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo đã lùi vào dĩ vãng

Người Bru Vân Kiều ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã biết trồng lúa nước từ lâu. Thế nhưng, việc trồng lúa chất lượng cao mới chỉ được người dân thực hiện 3 năm nay. Kể từ khi trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo mùa giáp hạt đã lùi vào dĩ vãng.

(Bài Kế Hoạch)Trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo mùa giáp hạt lùi vào dĩ vãng

Đã qua thời thiếu gạo 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Trung Hiếu hướng dẫn đồng bào Bru Vân Kiều chăm sóc cây lúa chất lượng cao.

Tân Lập là xã vùng cao huyện Hướng Hóa. Nơi có cứ điểm Làng Vân nổi tiếng trên mặt trận Khe Sanh - Đường 9 trong kháng chiến chống Mỹ. Gan dạ chống lại chiến lược dồn dân của Mỹ, đồng bào Bru Vân Kiều cùng với quân dân cả nước đánh bại, buộc Mỹ phải tháo chạy khỏi mặt trận Khe Sanh - Đường 9 mở đường cho quân giải phóng tiến vào miền Nam thống nhất đất nước. Hòa bình lặp lại, người Bru Vân Kiều lại sát cánh cùng đồng bào các dân tộc ở Đông Trường Sơn xây dựng bản làng ngày càng ấm no. 

Cùng với chủ trương của Đảng, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS của Nhà nước, đời sống và năng lực sản xuất của đồng bào cũng không ngừng phát triển. Từ du canh du cư đến định canh định cư; từ sản xuất theo truyền thống “cốt trỉa” đến sản xuất thâm canh… Khoa học - kỹ thuật và nhiều giống mới cũng được áp dụng đưa vào canh tác.

Chiều tháng 5, nắng rám mặt người. Thăm Tân Lập đúng dịp người Bru Vân Kiều ở cứ điểm Làng Vây đang bước vào mùa thu hoạch lúa chất lượng cao. Chia sẻ với phóng viên, anh Hồ Văn Khởi ở bản Làng Vây vui mừng: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, đây là năm thứ 3 trồng lúa chất lượng cao theo tuyên truyền của cán bộ hội nông dân. Lúa năm nào cũng lên đều đẹp, cho năng suất cao nên gia đình không còn thiếu gạo”. 

Câu chuyện trồng lúa chất lượng cao trên đỉnh Trường Sơn giúp đồng bào thoát cảnh thiếu gạo càng làm tôi muốn tìm tới cơ duyên, gốc rễ.

(Bài Kế Hoạch)Trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo mùa giáp hạt lùi vào dĩ vãng 1

Đồng bào Bru Vân Kiều ở Tân Lập thu hoạch lúa chất lượng cao năng suất cao.

Chuyện là năm 2019, Hội Nông dân xã Tân Lập bắt tay vào vận động đồng bào cơ cấu lại giống lúa để hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất. Các giống lúa chất lượng cao như Thiên ưu 8, Bắc thơm 7, Hương thơm 1, Dự hương 8… được đưa về địa phương canh tác. Thế nhưng hành trình đưa cái mới, nhất là giống lúa mới về để đồng bào sản xuất không phải là chuyện dễ. Do đồng bào ở đây vốn quen với việc trồng lúa theo phương thức truyền thống, giống lúa truyền thống…

Trước khó khăn triển khai chủ trương đưa giống lúa mới về cho Hội viên sản xuất. Hội Nông dân xã, đứng đầu là Chủ tịch Hội Nguyễn Trung Hiếu đã lấy khâu tuyên truyền, vận động để đi đầu. Được bà con tin tưởng, đồng ý đưa giống lúa mới vào sản xuất, Hội tiếp trực thực hiện phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Chủ tịch Hội Nguyễn Trung Hiếu cùng các thành viên, đã hướng dẫn người dân, thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, tỉa dặm, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa từ các mô hình này mang lại kết quả khả quan. Vụ đầu đưa vào sản xuất, giống lúa Hương thơm 1 đạt 69 tạ/ha; lúa Dự hương 8 đạt 45 tạ/ha… Kết quả chung, năng suất lúa bình quân của 3 bản Làng Vây, bản Bù và bản Cồn đạt 62 tạ/ha. Đến thời điểm hiện tại, 3 bản trên đã phát triển được hơn 20 ha thâm canh các giống lúa mới chất lượng cao.

Từ chủ trương và mạnh dạn đưa giống lúa mới vào sản xuất ở 3 bản vùng khó, đã cho thấy rõ hiệu quả. Do đó, Hội Nông dân xã Tân Lập tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, từng bước giúp đồng bào làm chủ được lương thực.

(Bài Kế Hoạch)Trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo mùa giáp hạt lùi vào dĩ vãng 2

Hiện toàn xã Tân Lập có hơn 70 ha lúa đưa giống mới chất lượng cao vào sản xuất.

Trước thời điểm năm 2019, bản Làng Vây, bản Bù và bản Cồn là 3 bản đặc biệt khó khăn thuộc xã Tân Lập. Việc phát triển kinh tế của đồng bào chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và trồng lúa. Với diện tích lúa nước của 3 bản là 23,7 ha, nhưng với phương thức sản xuất và giống cũ nên bà con vẫn thiếu gạo vào mùa giáp hạt.

 Thế nhưng, chính giống mới và cách làm táo bạo của Hội Nông dân xã, đã làm cho ba bản vùng khó đổi thay. Chuyện thiếu gạo đã đi vào dĩ vãng, tư duy đổi mới đã ăn sâu vào đồng bào ở 3 bản vùng khó. Từ mô hình trực quan sinh động, việc đưa cái mới; giống lúa mới chất lượng cao vào những bản còn lại ở xã Tân Lập trở nên êm ái hơn.

Hiện Hội Nông dân xã Tân Lập có 7 chi hội, với 585 hội viên, thì toàn bộ 7 chi hội đều có hội viên tham gia sản xuất giống lúa mới; số hội viên tham gia vào sản xuất giống lúa mới chất lượng cao ngày càng nhiều hơn. Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Tân Lập, hiện toàn xã có hơn 70ha đất lúa sản xuất các giống mới chất lượng cao với năng suất tăng từ 150% đến gần 200% so với các giống truyền thống.

Ông Hồ Quốc Trung - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết: “Mô hình đưa giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất ở xã Tân Lập, đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Việc vận động đồng bào thực hiện thành công mô hình, trở thành một điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Hướng Hóa”.

(Bài Kế Hoạch)Trồng lúa chất lượng cao, chuyện thiếu gạo mùa giáp hạt lùi vào dĩ vãng 3

Mô hình nuôi lợn sinh sản của anh Minh ở xã Tân Lập.

 Ngoài mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, trên địa bàn xã còn có một mô hình trang trại nuôi thỏ, với quy mô 750 con; một mô hình trang trại nuôi lợn với quy mô 120 lợn nái. Ngoài ra, đồng bào ở Tân Lập cũng đã xây dựng được hơn 60 mô hình gia trại nuôi trâu, bò, lợn và các loại gia cầm khác. Căn nguyên cũng bởi “thiếu gạo mùa giáp hạt” được xóa bỏ nên bà con yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập chia sẻ: “Địa bàn rộng, hội viên chủ yếu là đồng bào DTTS, năng lực sản xuất, trình độ dân trí chưa đồng đều. Làm thế nào để đời sống hội viên được nâng cao, luôn là vấn đề mà tôi và cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Đề án đưa giống lúa mới chất lượng cao về cho đồng bào sản xuất, là một trong nhiều giải pháp mà địa phương đã triển khai. Hiện mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp đồng bào chấm dứt tình trạng thiếu gạo mùa giáp hạt”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/trong-lua-chat-luong-cao-chuyen-thieu-gao-da-lui-vao-di-vang.ngn