HTX Quan Tiến, huyện Phong Điền giới thiệu sản phẩm thịt cua đinh đóng gói tại hội nghị do Liên minh HTX TP Cần Thơ tổ chức.
Hiện TP Cần Thơ có 327 HTX hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực, với tổng vốn điều lệ trên 737,1 tỉ đồng, có trên 13.122 thành viên, giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 18.384 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song, để các HTX phát triển ổn định, bắt nhịp xu thế thị trường trong tình hình mới, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ cho các HTX ở các quận, huyện tổ chức hoạt động đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật, làm tốt công tác về kế toán, kê khai thuế điện tử, sử dụng chữ ký số… Cùng với đó, phối hợp các sở, ngành hữu quan thành phố và các địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ HTX đăng ký mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thúc đẩy liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp để vận hành các dịch vụ hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thành viên HTX… Từ đó, thành phố có nhiều HTX chú trọng phát triển liên kết sản xuất, đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên và hộ dân có liên kết với HTX.
Với sự trợ giúp của Liên minh HTX TP Cần Thơ cùng ngành Nông nghiệp thành phố và huyện Phong Điền, HTX Quan Tiến, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền đã phát huy tốt hiệu quả hợp tác nuôi cua đinh theo quy trình VietGAP; kết hợp đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt cua đinh đông lạnh và bước đầu đã nhận được tích hiệu tích cực của thị trường. Ông Trần Minh Quan, Giám đốc HTX Quan Tiến, cho biết: Để gia tăng giá trị thương thẩm cho sản phẩm cua đinh, HTX Quan Tiến đã vận động 10 hộ nuôi cua đinh nhỏ lẻ ở địa phương vào HTX, cùng nhau nuôi cua đinh giống và cua đinh thịt theo hướng VietGAP, với tổng diện tích hơn 3.000m2. Theo đó, HTX tích cực hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua đinh cho thành viên, từ cách chăm sóc con giống đến việc sử dụng nguồn nước hay dùng thuốc phòng ngừa bệnh cho cua đinh… đều phải tuân thủ theo quy trình GAP, đảm bảo cua đinh giống cũng như cua đinh thịt sau khi xuất bán đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Theo ông Quan, sau 28 tháng nuôi, mỗi con cua đinh đạt trọng lượng trung bình từ 4-6kg, HTX sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm của thành viên và xuất bán ra thị trường với giá bình quân từ 350.000-500.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Theo ông Trần Minh Quan, đến thời điểm này, HTX Quan Tiến đã có đầy đủ các chứng nhận, như VietGAP, cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc… Với các lợi thế hiện có, HTX Quan Tiến đã mở hướng đầu tư thêm dòng sản phẩm chế biến, thiết kế hình ảnh bao bì và chính thức đưa ra thị trường sản phẩm thịt cua đinh đông lạnh đóng gói, với nhiều quy cách, có trọng lượng từ 0,5kg, 1kg hay 2kg… để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Nhưng do thương hiệu sản phẩm thịt cua đinh đóng gói của HTX còn khá mới, nên khó tiếp cận thị trường và chưa được nhiều khách hàng biết đến. Thêm vào đó, do giá thành sản phẩm thịt cua đinh đóng gói của HTX khá cao, nên bị cạnh tranh thị trường gay gắt với nhiều đơn vị cùng ngành nghề, vì vậy sản lượng tiêu thụ còn thấp so với tiềm năng hiện có của HTX. Vì vậy ngoài sự nỗ lực ứng dụng công nghệ, tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, HTX mong muốn được tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong và ngoài thành phố… để có thể tiếp cận được đối tác, khách hàng, giúp HTX từng bước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ.
Từ trợ lực của ngành Nông nghiệp thành phố, HTX New Green Farm, quận Thốt Nốt đã có được nguồn vốn hỗ trợ 400 triệu đồng để trang bị máy móc, phục vụ nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất. Thêm vào đó, HTX còn được ngành chức năng thành phố hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà kín trồng nấm rơm, với diện tích hơn 200m2. Ông Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của ngành chức năng thành phố, HTX New Green Farm đã từng bước xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, đó là tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm từ việc trồng nấm rơm để sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường hiện có, HTX không chỉ sử dụng nguồn phụ phẩm rơm vốn có tại cơ sở, mà còn liên kết thu mua phụ phẩm rơm, giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ trồng nấm rơm tại địa phương. Hiện HTX New Green Farm có năng lực sản xuất hơn 60 tấn phân hữu cơ/đợt, 45 ngày, cung cấp cho nhà vườn trồng cây ăn trái cũng như các HTX canh tác lúa theo hướng hữu cơ tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang… với giá bán 70.000 đồng/bao (20kg). Qua đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho 7 thành viên vào HTX cũng như các hộ dân có liên kết với HTX.
Tiếp sức kịp thời của các ngành chức năng thành phố, nhiều HTX đã có thêm nguồn lực để mở hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ, nâng tầm sản phẩm trên thị trường. Song, để các HTX vươn lên, phát triển bền vững, các ngành chức năng thành phố cần triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho HTX tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư mở hướng phát triển kinh doanh theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời, quan tâm xây dựng và triển khai phát triển mô hình HTX kiểu mới, có ứng dụng công nghệ chế biến, dịch vụ thương mại, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.