|
  • :
  • :

Triển vọng từ nuôi chồn hương

Là một thanh niên trẻ, ấp ủ hoài bão làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trương Văn Hạnh, ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) trở thành người tiên phong đưa chồn hương về nuôi tại địa phương.

Mạnh dạn “khởi nghiệp”

Vốn gắn bó với nghề lái xe Bắc-Nam, anh Hạnh tình cờ biết đến và rất thích mô hình nuôi chồn hương. Nhận thấy chồn hương là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, trong khi ở địa phương và các vùng lân cận còn rất ít người nuôi, năm 2021, sau khi tìm hiểu, anh đã mạnh dạn đưa chồn hương từ miền Nam về nuôi thử nghiệm. Trên mảnh đất của gia đình, anh bắt tay xây dựng chuồng trại và mua 7 con chồn hương giống về nuôi.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức cộng với sự chênh lệch về khí hậu nên trong quá trình nuôi, anh Hạnh gặp khá nhiều khó khăn trong khâu phối giống và nuôi chồn hương sinh sản. Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi thêm kiến thức, tham gia vào các nhóm nuôi chồn hương để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhờ đó, anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu và tiếp tục nhân đàn thành công. Hiện, anh Hạnh đang duy trì nuôi 20 cặp chồn hương bố mẹ và 12 con chồn hương con.

Anh Trương Văn Hạnh, xã Võ Ninh với mô hình nuôi chồn hương.

Anh Trương Văn Hạnh, xã Võ Ninh với mô hình nuôi chồn hương.

Anh Hạnh cho biết, chồn hương vốn là loài động vật có bản tính hoang dã nên phải nuôi tách riêng mỗi con một chuồng. Chuồng nuôi được thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích nhưng phải chắc chắn và được bao quanh bởi lưới sắt. Để chồn sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn “mát về mùa hè, ấm vào mùa đông”. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc chồn vì thời tiết ở Quảng Bình khá khắc nghiệt, mùa hè thì quá nóng mà mùa đông thì quá lạnh. Để bảo đảm nhiệt độ, anh Hạnh lắp đặt hệ thống phun sương và quạt làm mát vào mùa hè.

Chồn hương là loài vật tương đối dễ nuôi nhưng để cho sinh sản, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn, từ đó áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc chồn con sao cho phù hợp. Chồn hương thích sống riêng lẻ nên chỉ nhốt chung chồn đực và chồn cái để phối giống trong thời gian ngắn. Đặc biệt, trong quá trình sinh sản, chồn cần được yên tĩnh, hạn chế người lạ vào khu vực sinh sản của chồn, nếu không chồn mẹ sẽ tha con đi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của chồn con.

Chồn hương là giống ăn tạp, khi nuôi thức ăn phải bảo đảm, chồn mới không bị bệnh, lớn nhanh. “Để tốt cho hệ tiêu hóa của chồn, tôi chỉ cho chồn ăn chuối chín và cháo cá rô phi. Đây đều là những thức ăn sẵn có ở địa phương, dễ mua, giá thành rẻ. Nuôi chồn hương công sức bỏ ra không nhiều, dễ chăm sóc. Ngoài nuôi chồn, tôi vẫn có thời gian làm thêm công việc khác để tăng thu nhập cho gia đình”, anh Hạnh chia sẻ.

Chồn hương là loài vật dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chồn hương là loài vật dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thu nhập ổn định

Thịt chồn hương có giá trị dinh dưỡng cao, được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Xạ hương chồn hương cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.

Theo anh Hạnh, chồn hương có giá trị kinh tế cao nhưng muốn nuôi thành công cần phải nắm vững một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hóa, đặc điểm sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc chồn theo lứa tuổi. Thông thường, một con chồn hương cái thường nuôi từ 10-12 tháng là bước vào giai đoạn sinh sản. Mỗi năm, chồn cái sinh sản 2 lứa, một lứa 2-4 con. Sau khi sinh con khoảng hơn 2 tháng là có thể tách chồn mẹ và chồn con ra 2 chuồng riêng biệt.

“So với các mô hình chăn nuôi khác, tôi nhận thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh có nhu cầu mua chồn giống và chồn thương phẩm nhưng hiện tại tôi vẫn chưa cung cấp được chồn thương phẩm vì chồn giống đẻ ra bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu”, anh Hạnh cho hay.

Trung bình mỗi năm, anh Hạnh bán 10 cặp chồn hương nhỏ và 4 con chồn hương to, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng. Chồn hương giống có giá khá cao với 9 triệu đồng/cặp (2,5-3 tháng tuổi), chồn hậu bị có giá từ 10-15 triệu đồng/con, chồn sinh sản có giá từ 25 triệu đồng/con, chồn đực có giá từ 10-20 triệu đồng/con, tùy từng giai đoạn sinh sản. Không chỉ bán chồn hương giống, anh Hạnh còn hỗ trợ kỹ thuật cho người mua từ lúc đưa giống về cho đến lúc nuôi ổn định và trực tiếp đến xem chuồng trại để hướng dẫn nuôi cho phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Mô hình nuôi chồn hương đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trương Văn Hạnh.

Mô hình nuôi chồn hương mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trương Văn Hạnh.

Hiện, anh Hạnh đang tiếp tục nhân đàn với mong muốn phát triển trang trại quy mô lớn, không chỉ bán chồn hương thương phẩm mà còn cung cấp giống cho người dân. Dự định trong tương lai, anh Hạnh sẽ nhân giống chồn hương tại địa phương để cung ứng cho người dân; đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nuôi bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi chồn hương trên địa bàn. Từ đó, hướng đến liên kết, phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi chồn hương thương phẩm, cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, anh Hạnh rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trong việc tiếp cận các chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển và nhân rộng mô hình.

Bí thư Đoàn xã Võ Ninh Phạm Thị Hồng Nhàn cho hay, mô hình nuôi chồn hương của anh Trương Văn Hạnh là mô hình khởi nghiệp do đoàn viên, thanh niên làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao. Thành công từ mô hình không chỉ giúp anh Hạnh và gia đình nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính quê hương mà còn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu của tuổi trẻ trong việc mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202408/trien-vong-tu-nuoi-chon-huong-2220307/