|
  • :
  • :

Triển vọng tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẩn trương lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan hoàn thiện các nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện "Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao (CLC) gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và địa phương vùng ĐBSCL, đề án này được thực hiện không chỉ tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nông dân mà góp phần phát triển sản xuất lúa bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tích cực tham gia

Thu hoạch lúa trong mô hình "cánh đồng lớn" tại TP Cần Thơ.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL nhằm mục tiêu quan trọng là tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, giảm mạnh mún, nhỏ lẻ. Hình thành vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó, hướng tới nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời, giúp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng BĐKH.

Theo Bộ NN&PTNT, đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã nhận được hưởng ứng và đăng ký tham gia, hỗ trợ tích cực của các địa phương vùng ĐBSCL cùng các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB). Đến nay, có 12/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia đề án, với định hướng hình thành vùng chuyên canh lúa CLC đến năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu héc-ta. Trong đó, TP Cần Thơ đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa CLC đến năm 2025 đạt 50.000ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. Tỉnh An Giang đăng ký đạt 150.000ha vào năm 2025 và đạt 200.000ha vào năm 2030. Kiên Giang là 100.000ha vào năm 2025 và 200.000ha vào năm 2030, Đồng Tháp là 70.000ha, sau đó tăng lên 163.000ha, Long An là 60.000ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 120.000ha. Sóc Trăng đăng ký vùng lúa CLC đến năm 2025 đạt 77.000ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. Tương tự, Bạc Liêu đăng ký 45.000ha, Tiền Giang 30.000ha và Vĩnh Long 20.000ha. Còn Trà Vinh đăng ký đến năm 2025 đạt 30.000ha và đến năm 2030 đạt 45.000ha. Cà Mau đăng ký đạt 30.000ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 45.000ha.

Triển vọng nâng cao thu nhập cho nông dân

Vùng ĐBSCL đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo và đã thành công nhiều dự án về phát triển sản xuất lúa gạo, trong đó có Dự án VnSAT do WB tài trợ. Đây là nền tảng rất thuận lợi để thực hiện thành công đề án 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh. Theo ông Li Gou, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam, WB sẵn sàng và mong muốn tham gia tích cực vào đề án. Việc sản xuất lúa theo hướng CLC, chọn giống tốt, hiện đại hóa hạ tầng gắn với áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững thúc đẩy liên kết, tham gia của khu vực tư nhân cùng các bên  liên quan trong chuỗi giá trị sẽ giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính carbon mà thế giới đang hướng tới. Thu nhập của nông dân có thể tăng thêm khoảng 20% qua cải thiện về năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Tình trạng ô nhiễm và khí thải sẽ được giảm thiểu, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi… Từ đó, chuỗi giá trị lúa gạo tăng cường cả về thế mạnh và chiều sâu. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị rất ủng hộ đề án và đăng ký tham gia ngay từ đầu, với tâm thế làm hết sức mình và làm tốt phần việc được phân công, cũng như phát huy các sở trường, thế mạnh của doanh nghiệp trong phối hợp cùng nông dân tổ chức sản xuất và tham gia thu mua, tiêu thụ lúa gạo. Đề án rất khả thi và dự kiến mang lại nhiều hiệu quả rất tốt. Dự kiến, chỉ trong vòng 5 năm, vùng ĐBSCL có thể xây dựng được vùng lúa CLC đạt 1 triệu héc-ta và giá trị gia tăng mang lại cho nông dân và các bên liên quan có thể tăng cao gấp 3 lần.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho đề án do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Cần Thơ, ngành NN&PTNT địa phương vùng ĐBSCL khẳng định có thể tham gia thực hiện Đề án và xây dựng được các vùng chuyên canh lúa CLC với diện tích khá lớn ngay trong năm 2024. Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: "Tỉnh có 38.000ha lúa tham gia Dự án VnSAT cùng nhiều diện tích đất sản xuất lúa đã có thuận lợi về cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngay trong năm 2024, tỉnh  có thể tham gia xây dựng được các vùng chuyên canh lúa CLC với diện tích đạt từ 60.000-80.000ha". Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh có trên 60.000ha thỏa các điều kiện về hạ tầng, về liên kết sản xuất theo hợp tác xã và có doanh nghiệp thu mua… để tham gia hình thành vùng lúa CLC ngay trong thời gian tới và tỉnh mạnh dạn đăng ký với diện tích 60.000ha. Hiện tỉnh cũng đã có văn bản đăng ký thực hiện dự án, với định hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha và 2030 đạt 200.000ha tại 7/12 huyện, thị có sản xuất lúa. Kiên Giang đã đăng ký theo từng địa bàn huyện và có phân kỳ thời gian thực hiện cụ thể.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần rà soát lại diện tích 184.000ha lúa đã tham gia Dự án VnSAT về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, về việc tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu lúa của doanh nghiệp… nhằm ưu tiên đưa vào thực hiện đề án. Sau đó, mở rộng thêm diện tích một cách phù hợp. Phía Bộ NN&PTNT sẽ nhanh chóng hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là một đề án đa mục tiêu, vừa giúp đem lại lợi ích cao hơn cho người nông dân, vừa đảm bảo tốt an ninh lương thực, thích ứng với BĐKH. Việc thực hiện đề án sẽ  khó khăn, do vậy đòi hỏi quyết tâm thực hiện từ các địa phương và các bên liên  quan, trong đó các hợp tác xã và doanh nghiệp có vai trò rất lớn và quan trọng. Nhà nước có các cơ chế, chính sách để khuyến khích và hỗ trợ.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/trien-vong-tang-thu-nhap-cho-nong-dan-trong-lua-a157734.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin