Cây hoa cúc chi giúp nông dân nâng cao thu nhập
Thời điểm này, tại bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (Sơn La) gần 1 ha trồng hoa cúc chi của HTX Phú Quý được phủ một màu vàng rực rỡ. Hoa cúc chi là một loại thảo dược, dùng làm trà và làm vị thuốc nam trong y học cổ truyền có tác dụng an thần, thanh nhiệt, tiêu độc, chống oxy hóa.
Hoa cúc chi còn được sử dụng để hỗ trợ chữa các bệnh về mắt, nhức đầu và huyết áp. Cây hoa cúc chi được trồng từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào khoảng cuối tháng 11. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 - 1,5 tháng, mỗi đợt hoa nở kéo dài chừng 2 - 3 tuần, hết đợt này lại đến đợt hoa khác.
Theo kinh nghiệm của các hộ trồng, hoa cúc có chất lượng tốt nhất khi vừa nở. Việc thu hoa được thực hiện hoàn toàn thủ công, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng cần sự khéo léo, tỉ mỉ để hạn chế làm rụng cánh, dập bông.
Năm nay, vườn hoa cúc chi của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (Sơn La), cho năng suất cao và được thu mua với giá ổn định. Hiện nay hoa cúc chi được HTX Phú quý thu mua với giá bình quân 40.000 đồng/kg hoa tươi. Trung bình mỗi 1 ha hoa cúc chi cho thu hoạch trên 3 tấn hoa tươi, trừ chi phí sẽ mang lại thu nhập từ 90-100 triệu đồng/vụ. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với người nông dân.
Chị Hà chia sẻ: Nhận thấy hoa các chi lợi nhuận hơn so với các loại cây trồng khác, trong khi đó việc chăm sóc lại ít cầu kỳ hơn, gia đình tôi đã liên kết trồng hoa cúc với HTX Phú quý. Trong quá trình canh tác, gia đình tôi được HTX Phú quý hỗ trợ giống, hướng dẫn các quy trình chăm sóc an toàn đảm bảo chất lượng sản phẩm khi thu hoạch. Chỉ sau 4 tháng trồng, hoa cúc chi đã cho thu hoạch với sản lượng cao, chất lượng hoa rất tốt. Năm nay gia đình tôi dự kiến thu hoạch được khoảng 3 tấn hoa. Đây là một nguồn thu nhập ổn định đối với gia đình tôi. Trong thời gian tới mong sao giả hoa cúc chi vân giữ được mức ổn định, để những hộ nông dân như chúng tôi yên tâm mỏ rộng diện tích canh tác, nâng cao thu nhập.
Để tạo ra sản phẩm trà hoa cúc chi đảm bảo chất lượng, HTX Phú quý đã đầu tư hệ thống sấy lạnh. Do sấy ở nhiệt độ thấp nên hoa cúc chi giữ được màu sắc tự nhiên, hương vị cũng như hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trung bình cứ 10 kg hoa tươi sẽ cho ra 1 kg hoa khô thành phẩm, ước tính cả vụ, HTX Phú quý sản xuất 3 tạ hoa khô, với giá bình quân 700 nghìn đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm trà cúc chi của HTX Phú quý được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và đang được một số công ty dược phẩm tìm hiểu ký kết tiêu thụ. Với việc liên kết sản xuất sẽ giúp HTX Phú quý có đầu gia ổn định, cùng với đó sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Triển vọng kinh tế từ cây hoa cúc chi
Trao đổi với phóng viên, Anh Trần Sỹ Hứng, HTX Phú Quý huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trong qua quá trình trồng thử nghiệm, HTX nhận thấy là cây phát triển rất tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Yên Châu. Năm 2022, HTX chúng tôi đã quyết định vận động 2 hộ dân trồng thử nghiệm gần 1ha cúc chi thì đến nay đã ra hoa và đặc biệt là rất sai hoa.
“Sau khi thu hoạch về thì HTX đã mang sấy lạnh và đóng gói để đưa ra thị trường. Qua tìm hiểu thì hiện tại cũng rất nhiều khách hàng ưa chuộng trà cúc chi, tiêu thụ rất tốt. Năm 2024, HTX định hướng phát triển từ 3 -5 ha trên địa bàn huyện” ông Hứng nói.
Thực tế cho thấy, cây hoa cúc chi thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Yên Châu (Sơn La) và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Đây được xem là mô hình mở ra triển vọng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Qua đó góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Để cây hoa cúc chi phát triển bền vững, đem lại thu nhập cho người nông dân, huyện Yên Châu (Sơn La) cần có những định hướng cụ thể. Hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Đặc biệt là đối với đầu ra của sản phẩm cần đảm bảo. Có như vậy việc phát triển hoa cúc chi mới thực sự đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.