Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu phát triển đàn bò khoảng hơn 258.000 con, đàn lợn hơn 290.000 con; đàn dê 23.000 con; đàn gia cầm khoảng 7,8 triệu con; tổng sản lượng thịt hơi các loại cung ứng cho thị trường đạt khoảng 92.000 tấn. Nghề chăn nuôi, tỉnh khuyến khích và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ nông dân thay đổi nguồn con giống chất lượng cao, siêu thịt, siêu trứng; giúp nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các phương án chăn nuôi cụ thể khi chưa xảy ra dịch bệnh và khi dịch bệnh xảy ra cho từng đối tượng nuôi để giúp người chăn nuôi hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Ông Võ Thành Khoa, hộ chuyên chăn nuôi gà theo quy mô trang trại, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, kinh nghiệm trong chăn nuôi gà đối với hộ nông dân hiện nay là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm ngừa đủ liều và chỉ nuôi 3 đợt gà trong năm để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, giá gà thịt ít bị giảm thấp. Bình quân để nuôi gà thịt theo phương thức “bán thời gian thả vườn, bán thời gian nuôi nhốt” chi phí tiền con giống, thức ăn mất khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg gà hơi sau 3,5 tháng nuôi. Giá gà thịt thị trường chỉ cần ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận khá sau khi trừ các khoản chi phí thức ăn, thuốc thú y và tỉ lệ hao hụt.
Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.041 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, với tổng đàn trên 640.100 con, gồm: 4 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, với tổng đàn 7.800 con; 3 trang trại nuôi gà quy mô lớn, tổng đàn 36.000 con; 65 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa, với tổng đàn hơn 257.000; 969 trang trại gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, với tổng đàn gần 337.000 con. Trong số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh có 22 cơ sở tham gia chuỗi liên kết khép kín đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Năm 2023, ngành nghề chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và ứng dụng phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cung ứng sản phẩm thịt an toàn. Tổng đàn lợn chăn nuôi trong năm đạt 282.320 con, đạt 100,83% kế hoạch năm; tổng đàn bò 256.800 con, đạt 104,82% kế hoạch năm; tổng đàn gia cầm đạt hơn 6,85. Tổng sản lượng thịt hơi cung ứng cho thị trường đạt trên 95.000 tấn.