Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RYNAN Technologies VIETNAM giới thiệu các phần mềm ứng dụng công nghệ số ở lĩnh vực nông nghiệp do đơn vị phát minh. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam giới thiệu Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam (VDAPES - Vietnam Digital Agriculture Platform Ecosystem) do Công ty nghiên cứu và đã ứng dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng nông nghiệp số ứng dụng công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo và công nghệ internet kết nối vạn vật, có khả năng tự động tích hợp dữ liệu với mạng lưới các thiết bị thông minh tại thực địa.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp tạo giá trị mới, giảm giá thành, giảm tác động đến môi trường, tăng chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận và tăng sự hài lòng của người tiêu dùng. Các lĩnh vực như: trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, thủy sản, phát triển nông thôn, quản lý chất lượng, lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn, truy xuất nguồn gốc nông sản đều được số hóa dữ liệu, được quản lý và vận hành dựa trên dữ liệu số, nâng cao khả năng chia sẻ dữ liệu với các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp số.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, quy trình chuyển đổi số trong nông nghiệp gồm 3 bước: số hóa dữ liệu (chuyển đổi các văn bản, hình ảnh, âm thanh sang dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính); số hóa quy trình (tích hợp các thiết bị kết nối internet vào mọi hoạt động để có thể tự động thu thập dữ liệu) và điều hành số (điều hành và quản lý mọi hoạt động với những công cụ số như phần mềm SaaS và các ứng dụng di động...).
Thời gian qua, các phần mềm ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp do Công ty cổ phần RynanTechnologies Vietnam phát minh được sử dụng tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: trạm giám sát sâu rầy thông minh, phao quan trắc xâm nhập mặn tự động kết nối internet…
Thông qua chiếc điện thoại di động thông minh, nông dân ngồi ở nhà cũng có thể giám sát sâu rầy trên đồng ruộng, quan trắc độ mặn trong nước… Việc chuyển đổi số còn được đơn vị áp dụng trong sản xuất phân bón thông minh giúp nông dân giảm đáng kể chi phí nhân công; nuôi tôm siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số; sản xuất máy cho tôm ăn thông minh…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Văn Dũng cho biết, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà là tiến trình bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, chiến lược về chuyển đổi số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Văn Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN
Tại tỉnh Trà Vinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 26/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; chỉ số chuyển đổi số nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng nền tảng số trong hoạt động, sàn xuất, kinh doanh.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi số sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hỉệu quả sản xuât kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã ứng dụng chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như: đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh; 100% tàu cá lắp đặt VMS giám sát hành trình; quản lý, xác định các ổ dịch bệnh qua các phần mềm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện Bản đồ số trong lâm nghiệp; đo tự động (độ mặn, mực nước) tại các cống, vàm....