Nông dân tham quan mô hình lúa của Đề án ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Thu nhập từ sản xuất phát thải thấp
Năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang gieo trồng 712.856ha lúa; sản lượng 4,55 triệu tấn, vượt 3,54% so kế hoạch; năng suất trung bình 6,39 tấn/ha. Ngay từ đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kịp thời, có phương án cụ thể cho từng vùng. Các cơ quan chuyên môn và địa phương thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình canh tác lúa, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, sử dụng cơ cấu các giống lúa phù hợp. Nông dân duy trì sử dụng giống lúa chất lượng cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu sản xuất đạt trên 4,4 triệu tấn lúa (gần bằng năm 2023); tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao duy trì trên 90% tổng diện tích gieo trồng. Theo kế hoạch thực hiện Ðề án, bước đầu tỉnh Kiên Giang sẽ tham gia 60.000ha lúa. Dự kiến tỉnh bán tín chỉ carbon khoảng 30.000ha. Kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 100.000ha, dự kiến bán tín chỉ carbon khoảng 40.000ha. Ðến năm 2030 hình thành 200.000ha vùng chuyên canh gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng theo kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang, phấn đấu tăng 40% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa trên 50%, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống có sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn vùng chuyên canh. “Tỉnh Kiên Giang đặt nhiều kỳ vọng từ Ðề án, góp phần mang lại sự thay đổi cho ngành sản xuất lúa gạo. Cũng là dịp để tổ chức lại ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; đồng thời giá trị hạt gạo giúp người nông dân có thu nhập ổn định từ sản xuất phát thải thấp”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, Lê Hữu Toàn cho biết.
Triển vọng Đề án 1 triệu héc-ta
Thực hiện Ðề án, tỉnh Kiên Giang đã chọn Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp và HTX cua - lúa Thạnh An, huyện An Minh để thí điểm rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn tỉnh. Hiện nay, nông dân trồng lúa của các HTX này và một số nông dân khác đã được tập huấn quy trình canh tác lúa thông minh, phù hợp với yêu cầu của Ðề án.
Vụ hè thu năm 2024, HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa triển khai thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50ha. Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn hơn 50 ngày tuổi, sinh trưởng tốt. Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX, cho biết: “Hiện nay nhìn trên điện thoại là tôi có thể biết lượng nước trên đồng ruộng để có thể chủ động thêm hoặc rút bớt nước. Trước đó, chúng tôi đã lắp đặt các ống cảm biến trên ruộng lúa và cài đặt lên điện thoại. Do đã được tập huấn nhiều lần trước đó, nên bà con trong HTX đã nắm bắt quy trình canh tác này”. Ngoài ra, theo anh Huỳnh, để giảm lượng phát thải khí nhà kính, nông dân của HTX tuân thủ yêu cầu giảm lượng giống lúa gieo sạ xuống 70 kg/ha, sử dụng giống xác nhận, giảm 20% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng nước trong đồng ruộng so với canh tác truyền thống…
Trên cánh đồng lúa hè thu 2024, tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã bố trí thí điểm 10 trạm đo giảm phát thải giúp cho bà con đo đạc, kiểm đếm lượng khí thải phát ra từ vụ canh tác của mình. Anh Hồ Trung Kiên, ở xã Tân Hội, cho biết: “Qua 2 lớp tập huấn, khoảng 30 ngày tôi đã thành thạo kỹ thuật đo lượng phát thải. Quy trình đo phải đúng kỹ thuật và đúng thời điểm. Thời điểm là một tuần lấy mẫu khí một lần và phải lấy mẫu vào buổi sáng. Có 3 mẫu thu cách nhau 1 tiếng đồng hồ. Khi mình lấy thì mở khóa lấy không khí. Sau khi lấy mẫu khí xong, bà con nông dân sẽ gửi mẫu khí về Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang để ngành chuyên môn đo đạc lượng khí phát thải ra từ trên cánh đồng của nông dân”.
Vừa qua, trên cánh đồng của anh Hồ Trung Kiên, ngành chuyên môn tổng kết lượng giảm phát thải giảm 40 tấn CO2/ha. Dự kiến tham gia đề án này, năng suất vụ lúa hè thu sẽ tăng từ 20-30%. Vụ trước làm 1 tấn CO2/công thì nay dự kiến khoảng 1,2-1,3 tấn CO2/công. Giá bán và lợi nhuận sẽ tăng lên khoảng 10%. Mọi khâu từ chọn giống, gieo sạ, chăm sóc cho đến khi thu hoạch sẽ làm giảm lượng khí thải carbon nếu làm đúng quy trình, bảo vệ môi trường, hướng đến cánh đồng lúa chất lượng cao phát thải thấp và bền vững.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang Lê Văn Dũng, cho biết, tùy theo đồng ruộng và tùy theo diện tích canh tác của nông hộ, bà con đặt ống cảm biến. Ðây là điều kiện bắt buộc trong quy trình canh tác lúa giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Mỗi nông dân sử dụng ống để quản lý mực nước trên ruộng mình để lúc nào cần tưới là tưới nước, khi nào xiết nước là xiết nước để tuân thủ quy trình giảm phát thải. “Từ khâu chọn giống đến thu hoạch, quy trình thực hiện nghiêm ngặt. Ở trên cánh đồng lúa chất lượng cao phát thải thấp thì không chỉ ứng dụng công nghệ ướt, khô xen kẽ mà còn có các thiết bị đo phát thải và thiết bị giám sát côn trùng rất hiệu quả cho bà con nông dân để có những mùa vàng hạt ngọc”, ông Dũng cho biết thêm.
Những cánh đồng lúa ở huyện Tân Hiệp hiện đang là vùng trồng tiên phong khởi động thí điểm cho Ðề án. Ðo lượng phát thải là công việc quan trọng ở những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Với hầu hết nông dân thì đây là công việc xa lạ, thế nhưng nhiều nông dân ở huyện Tân Hiệp đang dần làm quen với công việc này. Ngoài chọn giống lúa chất lượng cao, chăm sóc kỹ càng, bà con nông dân còn được học cách đo khí thải carbon. Ðây là công việc khó, bởi đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao.
Tin rằng, với những tín hiệu tích cực, tỉnh Kiên Giang thực hiện thành công Ðề án do Chính phủ phát động. Qua đó tổ chức lại ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.