|
  • :
  • :

Tìm đường xuất ngoại cho bưởi đặc sản Đoan Hùng

Tỉnh Phú Thọ xác định phát triển cây bưởi là chương trình mũi nhọn trong các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, bởi vậy, nhiều năm qua Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ký kết hợp đồng liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường, hạn chế rủi ro nhằm tìm hướng “xuất ngoại” cho giống bưởi đặc sản này.

Tim duong xuat ngoai cho buoi dac san Doan Hung hinh anh 1

Trưng bày, giới thiệu thương hiệu Bưởi Đoan Hùng tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp huyện Đoan Hùng 2023. Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Nâng tầm chất lượng

Từ bao đời nay, bên dòng sông Lô hiền hòa, thơ mộng, người dân Đoan Hùng trồng, gìn giữ giống bưởi quý để nơi đây trở thành xứ sở quả ngọt không chỉ của đất Tổ Phú Thọ mà còn là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Phát huy những lợi thế vốn có, huyện Đoan Hùng đã chỉ đạo việc lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, huy động nguồn vốn trong dân tập trung cho đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích bưởi. Trong số đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể và các hộ trong việc dồn đổi, tích tụ đất để có diện tích lớn, tập trung để trồng bưởi, đặc biệt chú tâm đến việc nâng cao chất lượng, mở rộng phát triển vùng bưởi đặc sản từ đó tìm hướng khuất khẩu trên thị trường các nước.

Ông Hà Hải Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết: Đoan Hùng đã dồn đổi được gần 440 thửa với diện tích là 78,33 ha để trồng bưởi, nâng tổng diện tích trồng bưởi lên 2.700 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2016. Tính đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao của huyện.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ về tài chính với quan điểm là hỗ trợ trực tiếp những khâu sản xuất mà người dân cần và khó áp dụng; ngoài chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh, dự án WB7, sự nghiệp khoa học công nghệ thì nguồn ngân sách huyện hỗ trợ cho một số khâu, hạng mục thiết yếu.

Trong 5 năm (từ 2016-2020), tổng kinh phí chi cho Chương trình phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện là gần 15 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2023, tổng kinh phí hỗ trợ cho cây bưởi là hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ ba năm liên tục chi phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả theo hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời, hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận lần đầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha, tối đa 80 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 15 triệu đồng/ha, tối đa 120 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP; 55 triệu đồng/ha, tối đa 200 triệu đồng/giấy chứng nhận đối với chứng nhận hữu cơ…

Ông Nguyễn Thanh Hiển, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng chia sẻ, gia đình có 800 gốc bưởi đặc sản được áp dụng quy trình sản xuất quản lý cây trồng tổng hợp ICM. Nhờ đó, mẫu mã bưởi đẹp, quả nặng, chất lượng ngon hơn so với nhiều năm trước. Hiện tại, xuất khẩu bưởi vẫn đang gặp nhiều khó khăn do đó gia đình vẫn đang phải bán cho các thương lái trong nước. “Với 800 gốc bưởi này, sau khi thu hoạch, ước đạt khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng cho lãi hơn 1 tỷ đồng", ông Hiển cho hay.

Ông Nguyễn Đức Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoàn Hùng cho hay, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo UBND huyện Đoan Hùng tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xuất khẩu sản phẩm bưởi; phấn đấu 100% diện tích vùng trồng bưởi tập trung được chứng nhận sản xuất an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Thực hiện tốt xúc tiến thương mại, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng…

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Huyện Đoan Hùng hiện có trên 2.700ha trồng bưởi; trong đó có hơn 1.400ha bưởi đặc sản, tập trung nhiều tại các xã Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn (năm 2016) lên 52.000 tấn (năm 2023), giá trị sản phẩm ước đạt 800 tỉ đồng.

Vào thời điểm này, bà con ở "thủ phủ" bưởi đặc sản Đoan Hùng đang hối hả bước vào vụ thu hoạch để bán cho thương lái. Trên các ngả đường, các phương tiện tấp nập ra vào thu mua bưởi rồi tỏa đi tiêu thụ trong địa bàn tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Thinh, Chủ tịch UBND xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng cho biết, xã có 125ha diện tích trồng bưởi đặc sản cho thu hoạch. Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nhiều gia đình đã áp dụng mô hình thâm canh bưởi theo quy trình VietGAP. Do đó sản lượng, chất lượng quả bưởi ổn định.

Dự kiến sản lượng bưởi của xã đạt khoảng 20.000 tấn. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngay từ đầu vụ thu hoạch, các ngành chức năng phối hợp cùng địa phương đã kết nối với các kênh phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, đối với những vùng bưởi xuất khẩu, đơn vị vẫn đang hướng dẫn người trồng duy trì 18 mã số vùng trổng với 9 vùng bưởi trên diện tích hơn 366ha. Trong số đó có 9 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nga và 9 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ. Đơn vị ngành cũng đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Phú Thọ mời gọi các doanh nghiệp liên kết để ký hợp đồng sản xuất cũng như khâu tiêu thụ cho người trồng bưởi trên địa bàn, đặc biệt là các vùng bưởi đã được cấp mã số

Tuy nhiên, đến nay chưa ký được hợp đồng nào trong việc xuất khẩu sang các nước. Nguyên nhân dẫn đến chưa xuất khẩu được là do các nước yêu cầu rất nghiêm. Các sẩn phẩm trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ sản phẩm. Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ dẫn đến khó khăn trong việc xuất khẩu sang Mỹ và một số nước khác. Người trồng bưởi vẫn đang tìm hướng tiêu thụ ở thị trường trong nước

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích bưởi của tỉnh đạt 7.000ha; trong đó, bưởi đặc sản đạt 1.800ha; sản lượng đạt trên 30.000 tấn. Cụ thể, có khoảng 5.000ha được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ sẽ tạo mọi điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị liên quan cần tạo mọi điều kiện thuận lợi và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, thu mua sản phẩm bưởi Đoan Hùng theo chuỗi liên kết… từ đó tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu cho giống bưởi đặc sản trên quê hương đất Tổ.

Nguồn: http://dantocmiennui.vn/tim-duong-xuat-ngoai-cho-buoi-dac-san-doan-hung/343775.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin