Các trang trại nuôi tôm lớn có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ nên tỷ lệ thành công luôn đạt cao, giúp giảm đáng kể giá thành.
Giá thành cao, cạnh tranh kém
Theo TS Trần Hữu Lộc, Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ngành tôm Việt Nam đang đối diện với các nguy cơ cực kỳ to lớn bởi sự mất lợi thế cạnh tranh về giá thành sản xuất so với các đối thủ chính như Ecuador và Ấn Ðộ. Dẫn chứng cho tình trạng trên, TS Lộc cho rằng, trong khi nguồn giống kém chất lượng vẫn có điều kiện lưu hành đến tận vùng nuôi, hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho vùng nuôi hầu hết chưa đảm bảo thì đa số người nuôi tôm thẻ đều chọn nuôi với mật độ cao, kể cả những mô hình nuôi bằng ao đất. Qua thời gian, chất thải tích tụ dần, dịch bệnh phát sinh, người nuôi phải tốn nhiều chi phí hơn cho xử lý nước, phòng trị bệnh… nhưng tỷ lệ tôm nuôi thành công vẫn không cao. Còn ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thì cho rằng do tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam trung bình chỉ vào khoảng 40%, dẫn đến giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường thế giới.
Cũng có ý kiến cho rằng, giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn Ecuador và Ấn Ðộ còn do chi phí vật tư đầu vào liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Chia sẻ về nhận định này, ông Hồ Quốc Lực cho biết có tác động từ yếu tố chi phí vật tư đầu vào mà chủ yếu là giá thức ăn tôm làm cho giá thành tôm nuôi cao, nhưng đây chưa phải là yếu tố mang tính quyết định. Ông Lực phân tích thêm: “Giá vật tư đầu vào nuôi tôm, nếu soi kỹ, giá sỉ, các nước nuôi tôm tương đồng. Nhưng giá đến tay hộ nuôi tôm sẽ tăng trên 30% là do thiếu vốn, qua nhiều trung gian. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố quyết định làm tăng giá thành nhiều, mà căn bản ở tỷ lệ nuôi thành công quá thấp so các nước đối thủ. Ðơn cử như tỷ lệ nuôi thành công ở Ecuador trên 80%, Ấn Ðộ trên 60%, còn Việt Nam dưới 40%”.
Cần sự chia sẻ
Do giá thành tôm nuôi cao nên các doanh nghiệp chế biến trong nước phải mua tôm nguyên liệu từ hộ nuôi cao, có lúc cao hơn đến 1 USD mỗi kg so với các nước. Ðó là nhờ sự tiến bộ nhanh trong lĩnh vực chế biến nên doanh nghiệp mới có điều kiện chia sẻ với người nuôi. Nhưng theo ông Lực, yếu tố này không mang tính chất bền vững, vì các nước đối thủ hàng ngày hàng giờ đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến của họ. Do đó, căn bản hiện nay để thoát ra tình trạng khó khăn là nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm. Song song là kêu gọi sự tự giác chung tay của các bên mắt xích liên quan, bớt quyền lợi riêng mà chia sẻ ít nhiều cho sự nghiệp chung.
Sự chia sẻ, chung tay vì sự tồn vong, phát triển ngành tôm trong bối cảnh hiện nay rất cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn để sự quan tâm đối với ngành tôm thỏa đáng hơn, tương xứng hơn. Ông Lực chia sẻ thêm: “Biết rằng trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, Chính phủ có rất nhiều việc phải lo toan, nhưng việc Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ VASEP vừa qua đã thể hiện sự chú ý chăm lo từ chính quyền Trung ương cho ngành tôm. Cho nên đây là cơ hội quý giá để các mắt xích chuỗi giá trị con tôm nêu lên sự suy nghĩ, quan tâm của mình và có kiến nghị cụ thể cho trước mắt lẫn chiến lược cho sự phát triển bền vững, dài lâu. Còn việc kêu gọi sự tự giác chia sẻ của các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm vẫn phải làm, nhưng rất cần một định chế đủ mạnh, cần có thời gian để hình thành”.
Tìm giải pháp vượt khó
Ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Ðức (GIZ) cho rằng, sự phát triển vượt bậc của nuôi tôm nước lợ tại vùng ÐBSCL trong nhiều năm qua đã góp phần vào phát triển kinh tế cho Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái đã có những tác động môi trường từ sản xuất thiếu bền vững. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam, đòi hỏi phải có sự quản trị tốt về môi trường, đặc biệt về sử dụng đất, chất lượng nước, thức ăn, nguồn cung cấp giống và công nghệ áp dụng… TS Trần Hữu Lộc cũng đề xuất cần thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như hoàn thiện về quy hoạch và thiết kế trang trại nuôi để làm sao kéo giảm tối đa chi phí cố định và chi phí biến đổi trong sản xuất nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Hiện trình độ chế biến của các nhà máy tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nên theo ông Lê Văn Quang, chỉ cần có được nguồn nguyên liệu chất lượng, giá thành thấp thì năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm sẽ tốt hơn. Do đó, ông Quang kiến nghị Nhà nước cần quy hoạch những vùng nuôi tôm tập trung lớn có kênh cấp nước, thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông - điện - nước hoàn chỉnh; gia hóa tôm bố mẹ theo hướng chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường tại Việt Nam. Kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ thông qua nuôi; ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu quá chi phí sản xuất.
Bên cạnh các đề xuất, kiến nghị trên, theo ông Lực, vấn đề quan trọng không kém là cần tăng số cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho con tôm. Ông Lực dẫn chứng: “Hiện nay, diện tích nuôi đạt chuẩn ASC cả nước còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi, trong khi của Ecuador là 20% và tôm họ chiếm lĩnh thị trường EU, nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến. Do đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư tích tụ đất hình thành trang trại nuôi càng lớn càng tốt vì càng lớn thì càng thuận lợi đầu tư khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh”.