|
  • :
  • :

Tiêu chuẩn Global GAP giúp sản phẩm thủy sản có giá bán cao hơn tới 20%

Chứng nhận GlobalGAP cho thủy sản hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn này bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản, từ con giống, thức ăn, ương trứng, nuôi trồng và thu hoạch đến chế biến.

Tổ hội chuyên cá lóc giống Global GAP

Anh Nguyễn Trung An (Tổ phó Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý) cho hay: "Trước đây, gia đình tôi và các thành viên trong tổ chỉ có vài công đất sản xuất nông nghiệp, thu nhập trong năm còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, chúng tôi tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cá lóc giống, nhờ lớp học này tôi biết cách thiết kế hộc nuôi cá lóc giống, cách vệ sinh cải tạo khu nuôi, chọn thức ăn, chọn cỡ giống để cá sinh sản và phát triển tốt. Từ đó, tôi mạnh dạn tận dụng diện tích đất nhà để sản xuất cá lóc giống".

Tiêu chuẩn Global GAP giúp sản phẩm thủy sản có giá bán cao hơn tới 20% - Ảnh 1.

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý tham gia nuôi cá theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Anh An cho biết thêm: "Năm 2018, theo sự vận động của Hội Nông dân xã Mỹ Phú chúng tôi đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý, với 23 thành viên, diện tích nuôi trồng là 5,28ha".

Từ đây, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý bắt đầu tham gia nuôi theo chuẩn GlobalGAP, với sự hướng dẫn của TS. Lý Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu nâng cao chuỗi giá trị cá lóc nuôi thương phẩm tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP"). Theo đó, các thành viên của Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quí phải thực hiện nghiêm quy trình nuôi từ kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, làm tổ, chuẩn bị vèo cho cá đẻ…

Nguồn cá bố mẹ được chọn lọc kỹ lưỡng, đảm bảo ngoại hình cá tốt, không dị tật, trọng lượng đạt yêu cầu và phải tránh cận huyết. Công tác quản lý dịch bệnh, môi trường nuôi được thực hiện tốt, giúp nâng cao tỷ lệ sống của cá lóc giống. Đặc biệt, tổ đã gắn kết tiêu thụ với tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm ở các tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh và một số hộ nuôi cá lóc ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), Tổ hội nuôi cá lóc ở xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên)… nhờ đó ổn định về đầu ra cho sản phẩm.

Tiêu chuẩn Global GAP giúp sản phẩm thủy sản có giá bán cao hơn tới 20% - Ảnh 2.

Đến nay, các thành viên của tổ hội dần thay đổi cách thức sản xuất theo phương pháp truyền thống, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, quy trình xử lý trong chăn nuôi thân thiện với môi trường. Các thành viên trong tổ rất phấn khởi và an tâm vì có thể chủ động sản xuất ra cá giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để cung cấp cho những hộ nuôi cá thương phẩm.

Hiện, tổ hội có 19 thành viên, với diện tích 7,9ha, sản lượng bình quân đạt 90 tấn/năm, năng suất đạt từ 5-9kg cá lóc giống mỗi hộc nuôi. Nhờ quy trình sản xuất cá lóc giống đảm bảo kỹ thuật và chất lượng, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý đã được Công ty Bureau Veritas tiến hành đánh giá và chứng nhận đạt chuẩn Global GAP.

Anh Phan Hoàng Minh (Tổ trưởng Tổ Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú) cho biết: "Từ khi tham gia ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý được hỗ trợ rất nhiều mặt về kỹ thuật từ đó giúp tỷ lệ sống của đàn cá tăng lên so với thời gian trước và giảm giá thành đáng kể. Qua thời gian tổ hội thực hiện mô hình nuôi cá giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP, quy trình nuôi của tổ hội được kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn, bước đầu xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm thủy sản cá lóc giống sạch của Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý".

Giá bán sản phẩm Global GAP cao hơn 20%

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Tổng Giám đốc Phát triển kinh doanh của Tập đoàn Bureau Veritas tại Việt Nam cho rằng: "Gia nhập WTO, nhiều quốc gia trên thế giới không còn sử dụng hàng rào thuế quan để hạn chế hàng nông sản nhập khẩu vào nước họ. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu ngày một nhiều, nhằm bảo vệ người tiêu dùng nước họ tránh các rủi ro khi sử dụng hàng nông sản".

Tiêu chuẩn Global GAP giúp sản phẩm thủy sản có giá bán cao hơn tới 20% - Ảnh 3.

Tiêu chuẩn Global GAP trong thủy sản bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản, từ con giống, thức ăn, ương trứng, nuôi trồng và thu hoạch đến chế biến. Ảnh: IT

Cũng theo ông Khoa, Global GAP đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc do hầu hết khách hàng yêu cầu khi mua bán hàng hóa. Ngoài ra, Global GAP còn gia tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng, giá bán sản phẩm còn có thể tăng 20% so với sản phẩm chưa được chứng nhận.

Dù mỗi nước đưa ra các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khác nhau cho hành nông sản nhập khẩu, nhưng hiện Global GAP đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu, được nhiều nước trên thế giới công nhận. Do vậy, để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam làm ra dễ thâm nhập vào các thị trường trên thế giới thì việc sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đang là một yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Khoa, để sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp làm ra đạt tiêu chuẩn Global GAP, đòi hỏi doanh nghiệp làm ra phải đạt tiêu chuẩn Global GAP, đồng thời đáp ứng các yêu cầu trong quá trình nuôi và chế biến thủy sản cũng như phải sử dụng con giống, thức ăn… được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng Global GAP vào nuôi trồng thủy sản đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại ĐBSCL quan tâm. Tuy nhiên, do còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất nên việc triển khai thực hiện Global GAP còn gặp khó khăn, vướng mắc… Bởi đòi hỏi các doanh nghiệp và người nuôi thủy sản phải sử dụng thức ăn chăn nuôi cũng như con giống đạt các chuẩn yêu cầu của Global GAP. Trong khi rất ít người nuôi thủy sản và doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn… có thể đáp ứng yêu cầu này.

Theo Th.S Đỗ Thị Lan Nhi, Giám đốc đào tạo, Chuyên gia ngành thực phẩm của Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các nước trên thế giới rất quan tâm và người tiêu dùng cũng rất chú ý.

Trước đây, nhiều nước trên thế giới chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân (sản xuất và cung cấp các loại nông sản, thực phẩm…) phải phân tích các mối nguy và tự kiểm soát các mối nguy, rủi ro có thể xảy ra cho người tiêu dùng. Còn áp dụng tiêu chuẩn Global GAP có nhiều yêu cầu, nên đòi hỏi cần phải phối hợp tốt của người sản xuất và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi khép kín.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/tieu-chuan-global-gap-giup-san-pham-thuy-san-co-gia-ban-cao-hon-toi-20-20221025111638217.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin