Với sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, nông dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động tìm và áp dụng các giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp đạt hiệu quả sản xuất cao.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa trong nhà màng) tại huyện Thới Lai.
Huyện Vĩnh Thạnh đã thu hoạch được 20.400/25.063ha lúa vụ hè thu, còn lúa vụ thu đông 2022 đã xuống giống được 11.800/17.008ha theo kế hoạch. Theo ông Nguyễn Ðức Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ hè thu 2022 huyện tiếp tục duy trì và phát triển mô hình cánh đồng lớn (CÐL) với tổng diện tích 17.297ha với 11.318 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia CÐL có lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình gần 3 triệu đồng/ha nhờ liên kết trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với công ty với giá bán lúa cao hơn thị trường từ 50-800 đồng/kg, được cung cấp lúa giống cùng với nhiều loại vật tư đầu vào và được thanh toán tiền vào cuối vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, phát huy tiềm năng, lợi thế về hệ thống sông ngòi thuận lợi cho nuôi thủy sản, 6 tháng đầu năm quận đã thả nuôi các loại thủy sản được hơn 293ha, đạt 92,61% so với kế hoạch, trong đó có hơn 282ha nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu. Những tháng qua, người nuôi cá tra đạt mức lời khá tốt, từ 1.000-8.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Ðến nay, quận đã thu hoạch được hơn 65.964 tấn thủy sản các loại, đạt 63,43% kế hoạch, trong đó có 64.400
tấn cá tra.
Nhìn chung ngành Nông nghiệp thành phố cùng các địa phương trên địa bàn đã triển khai thực hiện khá tốt các kế hoạch sản xuất nông nghiệp và có các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Kịp thời hỗ trợ nông dân nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và thực hiện chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Ðồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu tạo thuận lợi về đầu ra cho nông sản, nhất là trong điều kiện còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình hành các hợp tác xã, các mô hình liên kết theo chuỗi ngành hàng. Tạo điều kiện giúp nông dân, doanh nghiệp xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu lớn gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua 6 tháng đầu năm, diện tích và sản lượng của hầu hết các loại cây trồng và vật nuôi trên địa bàn thành phố đều đạt và vượt so với tiến độ kế hoạch năm và có tăng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 3,28% (cao hơn mức 2,5% theo kế hoạch).
Phát huy các kết quả đạt được, tới đây ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tổ chức sản xuất đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, quan tâm phát huy, nhân rộng các mô hình sản xuất và liên kết hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tăng cường cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị. Mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và công nghiệp chế biến, bảo quản theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực...
Ðể thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lưu ý các đơn vị thuộc sở, phòng kinh tế các quận, phòng NN&PTNT các huyện cần tập trung thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và thành phố về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản... Ðặc biệt, TP Cần Thơ đã ban hành các chương trình, kế hoạch và chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Cần Thơ, các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt. Ðồng thời, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương trong sản xuất nông nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo ra sự khác biệt giữa kinh tế tập thể và hộ cá thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể...
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt ngành đã thực hiện đạt và vượt theo tiến độ kế hoạch đối với hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Tới đây, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị trực thuộc Sở cần tiếp tục phối hợp tốt các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan để thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm; có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân và người dân nông thôn. Trong đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai và tổ chức các vùng sản xuất gắn từng loại cây trồng vật nuôi và mô hình cụ thể nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương... Kịp thời nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế hợp tác, chuyển đổi số trong nông nghiệp…