|
  • :
  • :

Tiến tới nuôi trồng thủy sản phát thải thấp 

ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực, đóng góp 70-74% tổng diện tích và sản lượng thủy sản của cả nước. Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản vùng ĐBSCL là vấn đề được quan tâm. Tại hội thảo khoa học với chủ đề "Giảm phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản" vừa diễn ra ở TP Cần Thơ đã chia sẻ kết quả nghiên cứu xác định được lượng phát thải thấp trong nuôi tôm, từng bước tiến tới nuôi trồng thủy sản phát thải thấp…

Đo phát thải từ ao nuôi

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, ngành nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn. Trước thực tế trên, ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang nhận được nhiều nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, giám sát phát thải khí nhà kính trong ao nuôi tôm là hoạt động thuộc Dự án "Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL" do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đồng tài trợ, Ban quản lý chương trình hỗ trợ phát triển huyện Đông Hải, Bạc Liêu triển khai từ năm 2021-2023.

Dự án được triển khai tại 4 xã An Phúc, Long Điền, Long Điền Đông và Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Triển khai thu mẫu 20 hộ nuôi tôm, gồm: 10 hộ nuôi quảng canh cải tiến và 10 hộ nuôi thâm canh. Kết quả đo lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm cho thấy: mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong đó, mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, có 2 nguồn phát thải chính, gồm: lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu dự án đã áp dụng kết hợp các giải pháp, sau 9 tháng thực hiện, lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm đã giảm 16,9% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh và giảm 10,8% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh. PGS.TS Lê Anh Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất: Từ kết quả nghiên cứu đo mức độ phát thải thấp trên mô hình nuôi tôm, để giảm phát thải khí nhà kính, các giải pháp tập trung vào chuyển đổi sử dụng từ điện sang năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản (biogas, điện mặt trời); xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học. Thay đổi mật độ thả tôm, cách thức cho ăn và tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm. Cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết.  Áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn vèo.

Đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu xác định được lượng phát thải thấp trong nuôi tôm tại hội thảo khoa học với chủ đề "Giảm phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản".

Chị Nguyễn Thị Hạt, ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: Gia đình chị đã được hỗ trợ áp dụng mô hình nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính. Qua thực tế áp dụng, mô hình này giúp hạn chế tác động xấu của yếu tố bên ngoài, dễ kiểm soát số lượng tôm để có lượng thức ăn phù hợp cũng như phát hiện dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian dành cho nuôi tôm được giảm bớt, nhàn nhã hơn. Ngoài ra, chuyển đổi năng lượng giúp giảm tiền điện và sử dụng biogas tiết kiệm chi phí cho gia đình…

Tiến tới nuôi trồng thủy sản bền vững

Hiện nay tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm từ 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới, trong đó, ĐBSCL chiếm hơn 70% sản lượng. Do đó, các nhà quản lý, nhà khoa học kỳ vọng từ kết quả nghiên cứu xác định được lượng phát thải thấp trong nuôi tôm, ngành tôm lựa chọn được bước đi bền vững trong sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Với diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm thu hoạch hàng năm lớn nhất nhì cả nước, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam. Trong những năm gần đây việc nhanh chóng mở rộng diện tích nuôi tôm ở quy mô thâm canh, siêu thâm canh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đã gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Trong khi đó, chưa có nhiều mô hình mẫu về nuôi tôm bền vững, ít phát thải. Việc đo lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, từ đó xác định được các nguồn phát thải chính và đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản là một mô hình hay của dự án và cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Lộc, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản… khi nhập khẩu đều xem xuất xứ của con tôm có được sản xuất theo quy định, quy chuẩn thân thiện môi trường, ít xả thải. Do vậy, nuôi tôm phát thải thấp sẽ giúp tăng giá trị của con tôm khi xuất khẩu…

Nhà báo Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) chia sẻ: Sáng kiến cấp chứng chỉ cho tôm phát thải thấp là kết quả hợp tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, AFV và Ban Quản lý các chương trình phát triển huyện Đông Hải. Nghiên cứu đo phát thải từ các ao nuôi tôm nói riêng và từ các ao nuôi trồng thủy sản nói chung là bước khởi đầu quan trọng từng bước tiến tới nuôi trồng thủy sản phát thải thấp, đóng góp và thực hiện các cam kết, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam. Kết quả này sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho AFV, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cũng như nhiều tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/tien-toi-nuoi-trong-thuy-san-phat-thai-thap-a166468.html