Ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện Quyết định số 2230/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau màu của tỉnh, huyện Châu Thành đã phối hợp các ngành chức năng liên quan triển khai hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương để huyện được công nhận huyện nông thôn mới trong vào cuối năm 2023.
Chăm sóc rau màu ở xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành.
Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành đã hình thành các vùng trồng rau chuyên canh tập trung phù hợp với thổ nhưỡng từng khu vực. Vùng trồng rau ăn lá, rau gia vị (rau má, ngò gai, húng cây, rau diếp cá, rau om,…) tập trung ở các xã như xã Tam Hiệp, Tân Lý Đông, Thân Cửu Nghĩa, Thạnh Phú, Long Hưng, Nhị Bình. Vùng trồng rau ăn quả tổng hợp (dưa leo, khổ qua, bầu, bí, cà chua,…), tập trung ở các xã Tân Lý Đông, Tân Hội Đông, Tân Hương, Thân Cửu Nghĩa,… của huyện Châu Thành. Việc quy hoạch này giúp cho việc định hướng phát triển cây rau một cách bài bản. Các ngành, các cấp có điều kiện tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các chương trình, dự án phát triển cây rau.
Bên cạnh đó, hệ thống ô, đê bao ngăn lũ của huyện được đầu tư khép kín, phát huy tác dụng tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển diện tích trồng rau truyền thống. Bên cạnh những địa phương nằm trong hai vùng quy hoạch trồng rau tập trung, hầu hết các xã trong toàn huyện đã phát triển theo hướng chuyên canh với số lượng lớn.
Tổng diện tích canh tác rau màu các loại của huyện Châu Thành tính đến tháng 10 năm 2023 đạt gần 2.000 ha, diện tích gieo trồng trên 15.000 ha, tổng sản lượng trên 350.000 tấn. Hiệu quả thu nhập của nông dân trồng cây rau đạt từ 150 - 325 triệu đồng/ha/năm.
Tại ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Thương đã sáng tạo thành công quay vòng đất một cách hợp lý trong việc canh tác các loại rau theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Với 4.000 m2 đất, ông Thương trồng luân phiên các loại rau như ngò gai, hành lá, cải, tía tô… nên cho thu hoạch thường xuyên. Với cách làm này, vừa tận dụng diện tích đất một cách triệt để, vừa thu hoạch từng loại cây rau quanh năm theo chu kỳ từng loại, gia đình ông thu được trên 150 triệu đồng/năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, song song với việc hình thành các vùng chuyên canh rau, huyện đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh cây trồng nhằm hướng người dân sản xuất rau theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, tại các vùng chuyên canh rau, người dân đã áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau màu, sử dụng giống F1, Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa), sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, ứng dụng nhà lưới cùng nhà màng trong canh tác,…
Qua thống kê, diện tích áp dụng hệ thống tưới phun mưa đạt 3.400 ha, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Diện tích áp dụng IPM đạt 2.800 ha, chiếm 65% diện tích gieo trồng rau màu các loại. Diện tích áp dụng phân bón hữu cơ, sinh học đạt 3.000 ha, chiếm 70% diện tích gieo trồng rau màu các loại.
Theo ông Huỳnh Văn Bé Hai, nhằm phát huy lợi thế cây rau, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tiếp tục củng cố hợp tác xã rau an toàn, các tổ hợp tác sản xuất rau, rau an toàn hiện có trên địa bàn, đồng thời phát triển mới các mô hình kinh tế hợp tác ở nơi chưa có tổ hợp tác, hợp tác xã rau.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện tăng cường tổ chức, xác lập, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ cây rau để hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phát triển ổn định cây rau; tiếp tục phối hợp với các xã tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP để khi có đủ điều kiện xúc tiến việc công nhận.
Đặc biệt, huyện Châu Thành cũng kêu gọi các nhà đầu tư liên kết hợp tác chế biến từ các loại rau nhằm tăng thêm giá trị thu nhập của nông dân cũng như giữ vững diện tích cây rau của huyện phát triển một cách ổn định, lâu dài, góp phần tăng thu nhập cho người dân.