Làm đất chuẩn bị xuống giống rau cải ở Hợp tác xã rau quả Long Thuận, thị xã Gò Công. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Tùy theo đặc thù từng vùng, từng tiểu vùng, nông dân chọn phát triển những cây màu chủ lực và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa.
Các huyện vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền như: Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành quan tâm hình thành các vùng sản xuất rau màu ngắn ngày theo mô hình luân canh 2 lúa + 1 màu hoặc chuyên canh màu trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng lúa độc canh trước đây.
Đặc biệt, các địa phương trên đã duy trì vùng trồng dưa hấu theo mô hình luân canh, chuyên canh trên chân ruộng với diện tích hàng ngàn ha/năm. Chỉ riêng hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy và Cái Bè qua các vụ sản xuất liên tiếp trong năm 2023 vừa qua đã trồng được gần 700 ha dưa hấu.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc cho biết, năm nay, nông dân địa phương trúng mùa, trúng giá dưa hấu. Với năng suất bình quân từ 25-30 tấn/ha, giá bán từ 8.000-9.000 đồng/kg, mỗi ha bà con thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm nhẹ thiên tai vừa phát triển nông nghiệp một cách bền vững, các xã ven biển như: Tân Thành, Tân Điền… đều chú trọng phát triển cây màu ngắn ngày theo cơ cấu luân canh lúa + màu hoặc chuyên canh màu trên đất giồng cát ven biển.
Hành tím Tân Điền, dưa hấu Đèn Đỏ (Tân Thành) của huyện Gò Công Đông là đặc sản miền biển, nhiều năm nay đã khẳng định thương hiệu trên thị trường nhờ chất lượng ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bí thư đồng thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, tổ chức lại sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương.
Tân Phú Đông đã khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ trên đất nhiễm mặn sang trồng chuyên canh sả, một loại cây màu vừa là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Năm 2023, địa phương có kế hoạch trổng 3.700 ha sả, sản lượng trên 60.000 tấn sản phẩm, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh cho biết, rau màu thực phẩm đang là thế mạnh quan trọng của nền nông nghiệp hàng hóa địa phương. Trong 10 tháng năm 2023, toàn huyện trồng được gần 5.300 ha rau màu thực phẩm, đạt gần 100% chỉ tiêu cả năm. Nông dân đã thu hoạch đạt sản lượng trên 118.000 tấn rau màu các loại, vượt gần 9% so chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 5,4% so cùng kỳ năm trước.
Nhằm nâng cao giá trị cây rau thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang quan tâm tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân, hình thành mạng lưới các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh rau màu, phát huy vai trò tích cực trong mở rộng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn VietGAP cũng như liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, bà con an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú cho biết, tại các huyện, thị vùng dự án ngọt hóa Gò Công nằm phía Đông tỉnh đã thành lập được nhiều hợp tác xã chuyên trồng rau an toàn như: Hợp tác xã rau an toàn Gò Công, Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (thị xã Gò Công),…
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây) Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh, việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu tưới tiêu đang được nông dân các vùng chuyên canh rau màu áp dụng rộng rãi. Qua đó, giúp nghề trồng rau màu phát triển bền vững, đáp ứng nguồn nông sản sạch, an toàn cho thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Quang đơn cử, với việc đầu tư nhà lưới trồng rau an toàn giảm sâu bệnh, giảm chi phí vừa giúp nông dân tăng vòng quay sản xuất. Trồng trong nhà lưới, trung bình mỗi năm quay từ 10 – 11 vòng rau màu thực phẩm, nông dân thu lãi ròng mỗi vụ từ 30 đến 50 triệu đồng/ha.
Cùng với chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng theo tiêu chí VietGAP, các hợp tác xã trên còn tích cực xúc tiến thương mại, liên kết các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị trong ngoài tỉnh giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Theo ông Nguyễn Văn Tú, trung bình mỗi ngày, các hợp tác xã rau an toàn nơi đây cung ứng thị trường 39 chủng loại rau với sản lượng 2 tấn đến 3 tấn/ hợp tác xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 10 tháng của năm, tỉnh trồng được gần 51.000 ha rau màu các loại, đạt gần 88% chỉ tiêu cả năm; trong đó, có gần 6.000 ha rau màu trồng trên chân ruộng. Trước mắt, bà con thu hoạch được gần 46.000 ha, sản lượng gần 965.000 tấn rau màu thương phẩm.
Khảo sát địa phương cho thấy, lợi nhuận từ trồng rau màu bình quân đạt trong khoảng 47,4 triệu đồng/ha/vụ đến 290 triệu đồng/ha/vụ tùy theo loại màu, cao hơn từ 2,2-13,3 lần so với lợi nhuận từ trồng lúa độc canh trước đây. Do vậy, chuyển đổi từ trồng lúa một vụ sang trồng rau màu ngắn ngày được xem là lựa chọn tối ưu của nông dân nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai vừa ổn định sản xuất và đời sống địa bàn khó khăn hiện nay.