Sầu riêng đang là loại trái cây được xuất khẩu rất mạnh sang các thị trường khu vực Đông Bắc Á, nhất là Trung Quốc. Trong ảnh: Thu mua sầu riêng tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Tiềm năng lớn
Khu vực thị trường Ðông Bắc Á có tổng dân số trên 1,6 tỉ người, là nơi có sức mua lớn, nhiều tiềm năng để nước ta phát triển xuất khẩu nông sản và các loại hàng hóa. Khu vực Ðông Bắc Á có 3 đối tác thương mại lớn của nước ta gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, còn một số thị trường quan trọng khác như Hong Kong, Ðài Loan, Mông Cổ...
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta với khu vực Ðông Bắc Á đạt 350,2 tỉ USD, chiếm 48% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó xuất khẩu đạt 122,3 tỉ USD, chiếm 32,9% tổng xuất khẩu ra thế giới. Trong 9 tháng năm 2023, xuất nhập khẩu của nước ta với khu vực Ðông Bắc Á đạt 236 tỉ USD, chiếm 48% trong tổng xuất nhập, trong đó xuất khẩu đạt 88 tỉ USD... Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Ðông Bắc Á vẫn đang có điểm sáng. Ðáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì đà tăng trở lại từ tháng 7-2023. Biên độ giảm xuất khẩu nhóm hàng chế biến, chế tạo đã được thu hẹp từ 8,5% trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 3,2% trong 9 tháng 2023. Xuất khẩu nhóm nông thủy sản trong 9 tháng năm 2023 sang khu vực Ðông Bắc Á tăng 14,2%, so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc tăng cao đạt 28,3%.
Hiện nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Ðông Bắc Á đều đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương với Việt Nam. Cụ thể như, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (với cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hiệp định CPTTP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo đó, nhiều loại nông sản, hàng hóa của nước ta đang có các lợi thế và điều kiện thuận lợi để tăng xuất khẩu sang các nước khu vực Ðông Bắc Á nhờ được miễn và cắt giảm thuế theo lộ trình của các FTA. Ðồng thời, nước ta cũng có nguồn nông sản dồi dào, đa dạng về chủng loại và có khả năng cung cấp hàng nhanh chóng đến nhiều nước ở khu vực Ðông Bắc Á nhờ ưu thế về khoảng cách địa lý.
Phát triển xuất khẩu
Nhằm trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu vào Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường thuộc khu vực Ðông Á nói chung, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa chủ trì tổ chức tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Ðông Á”. Tại tọa đàm này, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều nông sản xuất khẩu của nước ta sang thị trường khu vực Ðông Bắc Á hiện vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với các tiềm năng và còn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Ðặc biệt, các nước ở khu vực này ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại nông sản nhập. Gần đây, Trung Quốc và các nước Hàn Quốc và Nhật Bản đã ban hành nhiều quy định mới và áp dụng quy trình quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ cả về chất lượng, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường kiểm dịch động thực vật. Hàn Quốc cũng đã áp dụng hệ thống quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta còn thiếu các thông tin và chưa nắm chắc các quy định và xu hướng tiêu dùng mới tại các nước ở Ðông Bắc Á. Nhiều loại nông sản còn chủ yếu xuất khẩu dạng “tươi, thô”, sản phẩm khó bảo quản lâu và giá trị gia tăng chưa nhiều...
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Khu vực Ðông Bắc Á và châu Á nói chung là thị trường chủ lực xuất khẩu rau quả, lúa gạo và nhiều loại thủy sản. Trên thực tế, nhiều loại nông sản của TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL được xuất khẩu ngày càng nhiều vào các nước ở khu vực Ðông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc... Song, phải nhìn nhận rằng việc xuất khẩu nhiều loại nông sản còn chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng chưa cao. Do vậy, TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến nông sản. Cần Thơ đã có 500 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản và có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và thành phố đang xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ”.
Ðể duy trì và phát triển xuất khẩu vào thị trường Ðông Bắc Á, tới đây các cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp và những người sản xuất nông sản ở nước ta cần quan tâm nghiên cứu, thích ứng với các tiêu chuẩn mới, xu hướng tiêu dùng mới của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Ðông Bắc Á. Tận dụng tốt các cơ hội và ưu đãi cắt giảm thuế trong các FTA để tăng xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đưa hàng vào các hệ thống phân phối lớn tại các nước Ðông Bắc Á và đẩy mạnh khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới...
Theo ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng tại đô thị ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các doanh nghiệp nước ta cần quan tâm phát huy lợi thế về vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, các sản phẩm nhiệt đới dồi dào để khai thác, đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc. Tổ chức sản xuất theo VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN&PTNT, trước tình trạng các doanh nghiệp và các bên có liên quan còn thiếu thông tin về các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh việc cập nhật, cung cấp thông tin và tăng cường kết nối giữa các bên có liên quan. Chú ý cung cấp cả các thông tin về dung lượng, nhu cầu, chủng loại hàng hóa, xu hướng tiêu dùng của các thị trường và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, việc kiểm dịch động thực vật tại các nước...