|
  • :
  • :

Thương mại điện tử giúp sản phẩm OCOP mở rộng thị trường

Với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng thuận lợi, hiện sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, đặc trưng của tỉnh phát triển, tiếp cận với thị trường nhanh chóng...

Các KOLs, KOC livestream quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp trên TikTok Shop (Ảnh: Mỹ Lý)

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TỪ TMĐT

Theo ông Ngô Thanh Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục phát triển nông thôn, sàn giao dịch TMĐT đem lại nhiều lợi ích đối với chủ thể sản xuất, quy mô tiếp cận khách hàng vô cùng rộng lớn. Đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí bán hàng, marketing truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho hiệu quả. Với những điểm nhấn trên sẽ giúp lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX), hợp tác xã (HTX) có cơ hội tăng cao.

Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh TMĐT giúp các DN, CSSX có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng, miền trong tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước.

Định hướng phát triển sản phẩm OCOP bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các chủ thể OCOP, mời đại diện các sàn TMĐT lớn về trao đổi, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thuận lợi nhất. Đồng thời thường xuyên hỗ trợ các DN, HTX phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng an toàn, hiệu quả, chất lượng...

TMĐT đang mở ra cơ hội cho DN, cơ sở sản xuất phát triển thị trường với kết quả mang lại tích cực. Khai thác tối đa tiềm năng trong thời đại số, thời gian qua, Cơ sở cá khô Tiến Phương (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) với 2 sản phẩm OCOP 3 sao vừa phát triển thị trường kênh phân phối truyền thống vừa khai thác nền tảng Tiktok để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là cánh tay nối dài giúp sản phẩm của cơ sở tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, với chi phí đầu tư không quá lớn...

Theo Sở Công Thương, chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng nội lực, thúc đẩy kinh tế phát triển và là nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần đó, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp triển khai, Sở Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN, HTX, CSSX 3 mô hình trình diễn kỹ thuật và 42 đề án đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất (cho 56 cơ sở công nghiệp nông thôn) với tổng kinh phí hỗ trợ 14,4 tỷ đồng, với các ngành nghề như: công nghiệp chế biến rau quả, nông sản, các sản phẩm sau gạo, đầu tư xử lý nước thải... Đồng thời hỗ trợ DN, HTX quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm (hỗ trợ bình quân 10 DN, HTX/năm) góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

Song song đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia trên 10 hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản, sản phẩm đặc sản, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu... của tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, phối hợp Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong, Công ty Cổ phần Ba Thức Group tổ chức tập huấn các kỹ năng bán hàng qua kênh TikTok cho 63 các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 35 đại biểu từ các DN, hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP. Theo Sở Công Thương, đến nay, có 70% sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn TMĐT như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso...

Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP

Theo Sở Công Thương, các DN, HTX, CSSX tham gia chương trình OCOP còn những tồn tại, hạn chế khi chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm; thiết kế bao bì chưa bắt mắt để thu hút khách hàng.  Phần lớn các DN, HTX, CSSX có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu kém, thị trường hạn hẹp và thiếu những DN đầu mối dẫn dắt, hỗ trợ kết nối, vận chuyển. Mặt khác, các chủ thể OCOP quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực nên chưa quan tâm nhiều đến việc kinh doanh qua TMĐT. Đồng thời, một số sản phẩm OCOP dạng tươi, sản phẩm thời vụ, sản phẩm cần bảo quản lạnh nên gặp khó khăn khi kinh doanh qua TMĐT...

Để khuyến khích hỗ trợ DN, HTX, CSSX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và nguồn lực DN cho phát triển sản phẩm OCOP nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch 432/KH-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp lĩnh vực công thương. Trong đó triển khai thực hiện hỗ trợ các DN, HTX, CSSX có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh tham gia hội thảo, hội nghị triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ nhằm quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm.

Nâng cao vai trò đầu mối và năng lực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ DN, HTX, CSSX trong tỉnh xúc tiến thương mại và kết nối với các mạng lưới bán hàng siêu thị, hệ thống bán lẻ, các Trung tâm Giới thiệu trưng bày đặc sản và du lịch của tỉnh tại các tỉnh, thành trong nước; các kênh TMĐT uy tín trong và ngoài nước, các DN xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển TMĐT, hướng đến phát triển kinh tế số phù hợp xu thế vận hành của thị trường dịch vụ.

Đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, bán hàng và kho trung chuyển hàng hóa; tiếp tục hỗ trợ DN, HTX, CSSX phát triển nhãn hiệu, bao bì và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Mặt khác tiếp tục hỗ trợ DN tháo gỡ vướng mắc, khó khăn với tinh thần đồng hành cùng DN, HTX, CSSX; vận dụng các chính sách hỗ trợ khuyến công nhằm khuyến khích DN, HTX, CSSX đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.          

Theo ông Ngô Thanh Hùng, chỉ tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch TMĐT...) và có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên sàn TMĐT, cải thiện chất lượng về nội dung đăng tải trên các sàn TMĐT nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về chương trình.

Đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP thông qua các sản phẩm thương mại điện tử, bán hành trực tuyến, trực tiếp; triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP...

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-giup-san-pham-ocop-mo-rong-thi-truong-118255.aspx
Tin liên quan
Chưa có thông tin